Hiện nay dịch bệnh hoành hành, hàng trăm ngàn người ở Thành phố đang lâm vào cảnh khó khăn, khó từ việc làm, thu nhập đến bữa ăn hàng ngày. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự chia sẻ của các địa phương khác, thì chính những người ở TP.HCM đang giúp đỡ nhau một cách thiết thực, hiệu quả và đầy tình yêu thương.
Những bữa cơm, những túi thực phẩm, những gian hàng 0 đồng… đang được cho đi khắp Thành phố, đâu đâu người cho, người nhận đều rưng rưng, đều thấy ấm lòng.
Không ai bị bỏ qua trong khó khăn
TP.HCM bùng phát dịch từ đầu tháng 6 và đến nay là giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Mọi khu phố, ngã đường đều vắng bóng người qua lại. Thế nhưng lại không thiếu những chuyến xe chở cơm, chở thực phẩm, không thiếu những tình nguyện viên, nhà hảo tâm mặc đồ bảo hộ, đeo bao tay vào từng ngõ hẻm, đến từng góc phố tặng thức ăn, tặng rau củ.
Người lang thang cơ nhỡ, người buôn gánh bán bưng giờ không có đồng ra đồng vào, không có cả điều kiện nấu nướng… đến bữa đã có những xe bánh, xe cơm tình nguyện phục vụ tận nơi để hạn chế di chuyển, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Người khó khăn ở các khu phong tỏa, khu cách ly được tặng thực phẩm thiết yếu nhất, đủ cho các bữa cơm hàng ngày. Những người khác có nhu cầu đều được khu phố, xã phường và các nhóm tình nguyện đi chợ giúp.
Những câu “Không ai bị lãng quên”, “Không ai bị bỏ lại phía sau” hay “Không để ai bị đói trong những ngày dịch bệnh” không chỉ là những câu khẩu hiệu, mà đã được từng người Thành phố tâm niệm, góp sức thực hiện. Hôm qua, trước giờ giãn cách xã hội toàn Thành phố, khi người người hối hả mua sắm hoặc về nhà, thì rất nhiều bạn trẻ tìm cách mua được rất nhiều mì gói, xúc xích, đồ hộp…đứng bên đường tặng người khó khăn.
Khi khắp nơi thực phẩm tăng giá vì vận chuyển vào Thành phố khó khăn thì doanh nghiệp xã hội Food Bank Việt Nam khởi động ngay chương trình “Thực phẩm chia sẻ”. Khi khó khăn chồng chất vì sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đình trệ, thì hàng chục doanh nghiệp của Thành phố vẫn góp những phần quà quý giá vào chương trình “Vòng tay Việt”, hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân khu phong tỏa.
Anh Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty Tân Nhiên chuyên về chế biến thực phẩm cho biết, doanh nghiệp của anh cũng rất khó khăn khi đang cố gắng duy trì thu nhập và việc làm cho công nhân, nhưng anh vẫn thu xếp được để chia sẻ khó khăn với người dân thành phố.
“Bản thân công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn thành lập một gian hàng không đồng ở trước văn phòng công ty cho các hoàn cảnh khó khăn đến nhận về sử dụng. Chúng tôi cũng thăm hỏi và tặng quà cho các chiến sĩ phòng chống dịch và nhiều gia đình khó khăn khác”, ông Duy nói.
Nghệ sĩ Tuyết Thu cùng một số nhà hảo tâm cho rằng, tự đi bằng xe máy thì mới có thể đến với người khó khăn ở các ngõ ngách rất nhỏ được.
“Thu cùng tham gia một chút công sức của mình để góp phần nới rộng vòng tay, chia sẻ với bà con khó khăn trong dịch bệnh. Mỗi người một tấm lòng, một chút, chúng ta cùng chung tay”, nghệ sĩ Tuyết Thu chia sẻ.
Thấu hiểu và giúp đỡ
Chính vì cùng ở trong một thành phố đông dân với những đặc thù như TP.HCM, các nhóm tình nguyện ở đây thấu hiểu điều kiện, hoàn cảnh của những người khó khăn nên cách hỗ trợ rất gần gũi và hiệu quả.
Khi dịch mới bùng phát, còn ít khu phong tỏa, sự hỗ trợ đó là qua thông tin trên mạng xã hội rồi người tốt tìm đến các khu khó khăn, là các tủ lạnh, là các gian hàng bán thực phẩm với giá 0 đồng để “ai cần cứ đến lấy”. Giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, mức giãn cách xã hội cao hơn thì sự hỗ trợ chuyển sang nấu và phát tận nơi các bữa ăn hàng ngày, tặng các túi thực phẩm tận cửa nhà dân…
Không ai thống kê được, cả TP.HCM bây giờ có bao nhiêu bếp ăn yêu thương đang đỏ lửa mỗi ngày, có bao nhiêu nhóm công tác xã hội âm thầm đi tặng bữa ăn mỗi đêm, có bao nhiêu ngàn túi thực phẩm đã được đặt trước cửa các ngôi nhà…
Thực tế, chính những cách hỗ trợ như thế này mới có thế đến được với người khó khăn ở trong các mái ấm nhà mở, trong các con hẻm sâu hun hút, ở đầu đường hay chân cầu vượt nào đó. Cả Thành phố, dường như ai làm được việc gì cho người khác khó khăn hơn mình thì đều tự thấy, tự làm để cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn này.
Ông Nguyễn Mai Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội công đoàn TP.HCM cho biết, với vai trò là một cầu nối giữa các nhà hảo tâm với người lao động khó khăn, Trung tâm đã đón nhận rất nhiều sự trợ giúp và người dân Thành phố ai ai cũng sẵn lòng với công tác xã hội.
“Chúng ta phát huy mọi khả năng của mình để kết nối yêu thương và lan tỏa sự yêu thương, để giúp cho người lao động khó khăn vì mất việc làm, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất nhiều. Chúng ta đã kết nối tình yêu thương, tình người với tình người”, ông Huy khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp xúc động khi người dân khó khăn ở quận này nhận được nhiều sự hỗ trợ của người dân Thành phố và cả những người dân ở rất xa như Quảng Bình với chương trình “Góp cá gửi người dân TP.HCM chống dịch”.
“Xin cảm ơn các tấm lòng vàng đã gửi tình cảm, những phần quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Phải nói rằng những món quà này góp phần giúp người lao động ổn định cuộc sống. Những tấm lòng, tấm chân tình thật đáng quý”, bà Yến bày tỏ.
Đói thì cùng đói mà no thì cùng no, chẳng biết từ lúc nào, người TP.HCM đã tự làm điều đó, tự thấu hiểu và tự chia sẻ với nhau theo những cách đầy tình người. Trên những con đường vắng vẻ hiện nay, không khó để thấy cảnh một người đứng từ xa hỏi nhóm thiện nguyện đang bốc dỡ thực phẩm: “Cho tui phụ một tay được không?”, không khó để thấy một người kín mít đồ bảo hộ khệ nệ bưng thùng quà để trước cửa nhà ai đó và chủ nhà chỉ cần hé cửa giơ tay cảm ơn… không khó để thấy những ánh mắt cười hay những giọt nước mắt.
TP.HCM đang bệnh, nhưng sẽ sớm khỏe lại!./.