Một tuần bán mạnh
Trong tuần 18-22/9, áp lực bán cổ phiếu tăng mạnh và lan rộng khiến kéo chỉ số VN-Index giảm mạnh 2,8%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán bị bán tháo mạnh nhất. Nhóm bất động sản cũng điều chỉnh khá sâu.
Chốt tuần, chỉ số VN-Index giảm 34,3 điểm (tương đương giảm 2,8%) so với cuối tuần trước xuống còn 1.193,05 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 3,8% xuống 243,2 điểm và chỉ số Upcom-Index giảm 3,2% xuống 90,8 điểm.
Trong tuần, nhiều cổ phiếu trụ cột giảm mạnh như: Vingroup (VIC) giảm 6,7%; Vinhomes (VHM) giảm 5%: VPBank (VPB) giảm 5,8%); Masan (MSN) giảm 5,4%...
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu xuất khẩu diễn biến tích cực nhờ được hưởng lợi từ diễn biến tỷ giá USD/VND tăng và triển vọng phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó, thông tin Mỹ-Việt nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện cũng thúc đẩy dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu này.
Trong tuần, Hóa chất Đức Giang (DGC) tăng 7,99%; Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) tăng 8,6%... Cổ phiếu STB của Sacombank cũng bất ngờ tăng 1,2%.
Thanh khoản trên 3 sàn trong tuần giảm hơn 10% so với tuần trước xuống còn hơn 27.200 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD). Trong tuần, khối ngoại bán ròng 1.650 tỷ đồng trên HOSE, giảm 23% so với tuần liền trước.
Thị trường chứng khoán ghi nhận áp lực bán tăng trong bối cảnh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tăng lên trước áp lực tỷ giá USD/VND liên tục đi lên trong hơn một tháng qua, đặc biệt những phiên trong tuần 18-22/9.
Trên thực tế, trong khoảng hơn 1 tháng qua, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, đưa tổng mức tăng của đồng USD so với VND từ đầu năm lên trên 2,9%.
USD từ mức ổn định quanh ngưỡng 23.600-23.700 đồng/USD (giá bán ra tại các ngân hàng) hồi tháng 6-7 đã vọt lên ngưỡng 24.500 đồng/USD (tính tới sáng 22/9). Gần đây, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố cũng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 24.000 đồng/USD.
Tình hình trở nên đáng lo hơn sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang (Federal Funds Rate - FFR) ở mức cao nhất 22 năm: 5,25%-5,5% đúng như dự báo nhưng phát tín hiệu có thể sẽ thực hiện thêm một đợt tăng nữa trước cuối năm nay và có ít đợt hạ lãi suất hơn so với dự kiến vào năm tới.
Như vậy, lãi suất của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng và được duy trì ở mức cao lâu hơn nhằm chiến đấu kéo lạm phát đi xuống.
Với lãi suất Mỹ đang ở mức 5,25-5,5%, trong khi lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 0,15% và lãi suất kỳ hạn một năm ở các ngân hàng thương mại lớn chỉ khoảng 5,5%, áp lực đối với đồng VND là lớn.
Chiều 21/9, NHNN đã bất ngờ phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày sau nửa năm, qua đó hút về 9.995 tỷ đồng với lãi suất 0,69%/năm. Trong phiên 22/9, NHNN hút tiếp 10.000 tỷ đồng với lãi suất 0,5%. Tổng cộng chỉ 2 phiên cuối tuần, NHNN hút gần 20.000 tỷ đồng
Đây là động thái hút tiền của NHNN được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa, và mục tiêu là giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.
Trên thực tế, mức hút tiền 20.000 tỷ đồng như 2 phiên cuối tuần vừa qua là rất thấp so với giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, với những phiên lên tới 30.000-35.000 tỷ đồng.
Tỷ giá không quá căng thẳng, TTCK có thể sớm ổn định
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VnDirect cho rằng, chứng khoán chịu áp lực bán tháo trong phiên cuối tuần sau diễn biến kém tích cực của thị trường toàn cầu cũng như những áp lực trong nước liên quan tới vấn đề tỷ giá.
Để ổn định tỷ giá, NHNN đã phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của NHNN.
Theo ông Hinh, bước đi này của NHNN không phải là một bước đi nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa để góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá.
Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó. Bản thân NHNN cho biết vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế, do đó TTCK có thể sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua của NHNN.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho rằng, tỷ giá USD/VND lên cao là yếu tố chính tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư trong phiên bán mạnh cuối tuần.
Theo ông Kháng, vấn đề tỷ giá không đáng ngại như hồi tháng 10/2022 vì thặng dư xuất nhập khẩu của Việt Nam cao, FDI giải ngân và đăng ký đều tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm. Kiều hồi vẫn ổn định. Trong khi dự trữ ngoại hối cao, ở mức 95 tỷ USD.
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, TTCK sẽ không mất nhiều thời gian để ổn định trở lại và phục hồi khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn. Nhiều khả năng sẽ là tăng trưởng dương so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tâm lý thị trường có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo HOSE và điều chỉnh danh mục margin của một công ty chứng khoán top đầu được đính chính và làm rõ.
Hiện, chỉ số VN-Index có vùng hỗ trợ 1.170 - 1.180 điểm. Nhiều doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như nhóm xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng).
theo Vietnamnet