Ngày 21/7, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh ra công văn khẩn thông báo, từ 40 chợ vừa được mở cửa ngày 19/7, hiện TP chỉ còn 32 chợ hoạt động. Đồng thời, hướng dẫn UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, ban quản lý các chợ truyền thống trên địa bàn TP chi tiết cách thức tổ chức hoạt động chợ.
Theo đó, Sở Công Thương TP cho biết, sáng nay 21/7, chợ An Hội (quận Gò Vấp) phải dừng hoạt động vì chợ có ca mắc Covid-19, nâng tổng số chợ dừng hoạt động trên địa bàn TP lên 205/237 (bao gồm 3 chợ đầu mối).
Như vậy, số chợ hoạt động tại TP hiện đã giảm từ 40 xuống còn 32 chợ sau 2 ngày (19 – 21/7/20201).
Cụ thể, từ ngày 16/7 đến nay có 9 chợ sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…) đã khôi phục hoạt động. Đó là các chợ Nguyễn Tri Phương, Phú Thọ, Kiến Thành, Tân Đoàn Việt, Bà Lát...
Sở Công thương TP Hồ Chí Minh chỉ đạo, việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại phải đảm bảo các điều kiện phòng dịch Covid-19
Phó giám đốc Sở Công thương TP, ông Nguyễn Nguyên Phương chỉ đạo, quán triệt các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chợ truyền thống. Đồng thời, các đơn vị quản lý cần bố trí khu vực giữ xe cho khách đi chợ, bố trí khu vực xếp hàng vào chợ phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định...
“Ban quản lí các chợ cần nghiên cứu áp dụng phương án chia tần suất đi chợ thông qua "thẻ ra vào chợ" để kiểm soát lượng người mua sắm” - ông Phương yêu cầu.
Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàn hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ như 2-3 ngày/lần, mỗi gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ trong 30 ngày.
Bên cạnh đó, các chợ cần phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển.
Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, bảo đảm thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp.
Riêng đối với một số địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó khôi phục lại hoạt động các chợ truyền thống, chính quyền địa phương linh động triển khai thiết lập các điểm bán với quy mô nhỏ tại khu vực chợ hoặc các điểm bán phù hợp để kịp thời cung ứng các mặt hàng tươi sống, rau củ quả.
"Hàng hóa phải được đóng gói và niêm yết sẵn giá để người mua lựa chọn nhanh và hạn chế việc tiếp xúc giữa người bán - người mua" - Phó giám đốc Sở Công thương TP chỉ đạo.
Đối với chợ đầu mối, Sở Công thương TP lưu ý, phương tiện vận chuyển khi ra vào chợ phải phun xịt khử khuẩn toàn bộ, đảm bảo tuân thủ các quy định trong phân luồng tổ chức lưu thông vận chuyển hàng hóa.
Chỉ tổ chức tập kết tập trung chuyển hàng hóa, tuyệt đối không giải quyết giao dịch buôn bán. Khu vực lưu trú, ăn uống, khu vực vệ sinh cho các đối tượng khác nhau phải đảm bảo phương án ba tại chỗ và quy định 5K…
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 19/7, Sở Công Thương TP cho biết, tình hình mua sắm của người dân TP những ngày qua giảm rõ rệt.
Đặc biệt tại các điểm mua tại chợ truyền thống, Sở Công Thương ghi nhận lượng hàng hóa lẫn số lượng người mua đều giảm. Các chuyến hàng lưu động có trường hợp dư thừa, tồn và phải mang về.
Sở Công Thương TP khẳng định, việc tăng giá lương thực, thực phẩm vừa qua tại TP không phải là dấu hiệu của tích trữ, đầu cơ mà đó là do khó khăn tạm thời khi hệ thống phân phối bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở Công thương ghi nhận có sự liên thông về giá cả giữa TP và vùng nguyên liệu. Khi giá ở TP tăng, lập tức giá sản phẩm ở vùng nguyên liệu cũng tăng theo. Do vậy, thời gian qua, TP có 2 giá: ở siêu thị được giữ bình ổn và giá bên ngoài tăng cao.
Giá hành lá ở TP Hồ Chí Minh cao ngất ngưỡng 120.000 đồng/kg Ngày 21/7, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết, nhìn chung các mặt hàng rau, củ quả ở TP đã bình ổn trở lại, riêng giá hành lá hiện ở mức 120.000 đồng/kg là do không có thương lái thu mua, và thiếu xe để chờ hành lá từ các địa phương khác về TP Hồ Chí Minh. Không chỉ câu chuyện hành lá, Chủ tịch FFA cho hay, các loại thủy sản khác cũng gặp tình cảnh tương tự. "Mới hôm qua, bà con ở hợp tác xã Cần Giờ phản ảnh đến tôi là nghêu, sò, ốc, hến... nằm tại chỗ hết. Thiếu thương lái, thiếu hệ thống thu mua, vận chuyển về nơi tiêu thụ là TP" - bà Chi giải thích. Riêng tình trạng thiếu trứng gà ở TP, bà Chi dẫn chứng câu chuyện cụ thể của trứng gà Ba Huân khi cơ sở nuôi gà vẫn ổn định, mỗi ngày đẻ 1 triệu trứng nhưng hệ thống tư thương gom mua của các tỉnh miền Tây đưa về nhà máy đình trệ. |