Titan - một ví dụ tuyệt vời về nghệ thuật viết tiểu sử. Không kém phần thú vị, John D. Rockefeller Sr. (1839-1937) được mô tả sống động bằng nghệ thuật vẽ chân dung tường thuật quy mô lớn mang phong cách thế kỉ XIX. Là một đề tài muôn thuở cho những người viết tiểu sử, nổi tiếng với những suy tính kín đáo, Rockefeller đã mang theo xuống mồ những bí mật không lấy gì làm tự hào, không chỉ của Standard Oil, một tập đoàn khổng lồ do ông gây dựng, mà còn cả những bí mật của chính gia đình ông. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim – là tâm điểm của công chúng, dù các phát ngôn và hành động được ghi chép và phân tích tỉ mỉ trên các mặt báo, ông vẫn là một ẩn số khiến người ta phát điên, bởi ông dành phần lớn cuộc đời ở đằng sau những bức tường trong điền trang và những tấm kính mờ bao quanh văn phòng mình.
Cuốn sách nằm trong top những quyển sách mà Bill Gates và Steves Jobs đánh giá cao và nằm trong danh sách mà các nhà đầu tư phố Wall khuyên đọc.
Tuy nhiên, cuốn sách Titan - Người khổng lồ không phải là một cáo trạng về những điều đáng hổ thẹn và cũng không phải là một lời tôn vinh.
Ron Chernow, tác giả của “Đế chế tài chính House of Morgan” và “Anh em nhà Warburg” cám ơn người vợ Valerie của mình trong việc giúp ông tìm thấy “giọng văn thường khó nắm bắt – không quá cảm thông cũng không quá chỉ trích – thể hiện tốt nhất tính cách phức tạp của Rockefeller.” Giọng văn đó là một phần của trí thông minh đạo đức. E.M. Forster từng viết rằng: trong tiểu thuyết của mình, ông tránh đề cập vấn đề thiện và ác vì chính những vấn đề của thiện-và-ác. Trái ngược với xu hướng gia tăng những công kích có nguy cơ làm cho người viết tiểu sử bị đánh đồng với “những tên viết lách vô lại”, Chernow lựa chọn sự pha trộn không thể khác của cuộc sống, như cách của Forster, làm chuẩn mực cho cuốn sách này.
Chernow chia sẻ “Nghiền ngẫm những ghi chép đồ sộ về Rockefeller hệt như khai quật một lục địa đã từng biến mất. Tuy nhiên, dù được tiếp cận lượng tài liệu khổng lồ ấy, ngay từ khi bắt tay vào nghiên cứu, tôi đã cảm thấy có chút nản chí với ý nghĩ rằng giờ đây tôi sẽ phải đối diện với một người khó hiểu.”
Trong suốt cuộc đời của Rockefeller, tiền bạc là một động lực đầy ám ảnh.
Chernow viết, “Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông dùng tiền mua kẹo, sau đó chia thành nhiều miếng nhỏ, rồi bán lại cho các anh chị em để lấy chút tiền lời.” Máu ham tiền này bắt nguồn từ hoàn cảnh túng quẫn thời trẻ của ông ở quận Finger Lakes, vùng thượng New York, trong hoàn cảnh kinh tế gia đình bất an triền miên, Rockefeller đã tự rèn thói quen biểu lộ càng ít càng tốt, ngay cả trong những bức thư riêng, ông cũng viết như thể một ngày nào đó, chúng có thể bị rơi vào tay của một công tố viên. Với bản năng kín kẽ, ông rất giỏi sử dụng những uyển ngữ lạ và những cụm từ tỉnh lược. Vì lý do này, 20.000 trang thư mà Rockefeller nhận được từ các đối tác kinh doanh trực tính được coi là di sản của một giai đoạn lịch sử. Được viết vào đầu năm 1877, bảy năm sau khi Standard Oil được thành lập, chúng cung cấp bức chân dung sinh động về những giao dịch phức tạp của công ty này với các nhà sản xuất dầu, các nhà lọc dầu, các nhà vận chuyển, các nhà marketing, cũng như những người đứng đầu lĩnh vực đường sắt, giám đốc ngân hàng và các ông trùm chính trị. Bức tranh toàn cảnh về sự tham lam và thủ đoạn này chắc chắn sẽ khiến những nhà nghiên cứu thành kiến nhất của Thời Đại Vàng phải giật mình.
Giống như nhiều ông trùm của Thời Đại Vàng, Rockefeller vừa được những người viết tiểu sử ủng hộ mình tôn vinh hết mực, vừa bị những nhà phê bình phỉ báng đầy cay độc vì chẳng thấy điểm đúng đắn nào ở ông. Sự phiến diện này đặc biệt có tác động tiêu cực trong trường hợp của Rockefeller, một con người mà thiên thần và ác quỷ tồn tại chung dưới một hình hài.
Câu chuyện về John D. Rockefeller sẽ đưa chúng ta trở về thời điểm khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp vẫn còn nguyên sơ và mới lạ ở Mỹ, khi những quy tắc tham gia cuộc chơi vẫn “bất thành văn”. Hơn bất cứ ai, Rockefeller là hiện thân của cuộc cách mạng tư bản sau Nội Chiến và từng làm biến đổi cuộc sống của người Mỹ. Ông là hình mẫu tiêu biểu của sự cần kiệm, tự lực, chăm chỉ và dấn thân không mệt mỏi. Tuy nhiên, là người coi thường cả Chính phủ và chà đạp thô bạo những đối thủ cạnh tranh, ông cũng là hiện thân của vô vàn những việc xấu xa nhất. Vì lẽ đó, sự nghiệp của ông đã trở thành tâm điểm cho các cuộc tranh luận về vai trò xác đáng của Chính phủ trong nền kinh tế vốn đã kéo dài cho đến ngày nay./.
Nhận xét, đánh giá của chuyên gia
“Khi lịch sử đưa ra phán quyết cuối cùng về John D. Rockefeller, có lẽ những cống hiến mà ông dành cho nghiên cứu sẽ được coi như một dấu mốc quan trọng trong sự tiến bộ của nhân loại… Khoa học hiện đại chịu ơn người đàn ông giàu có, rộng lượng và sáng suốt này hệt như nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng chịu ơn sự bảo hộ của Giáo hoàng và Quân vương. Trong số những người đàn ông giàu có ấy, John D. Rockefeller có vai trò tối thượng.”
WINSTON CHURCHILL
“Bạn có thể đọc cuốn sách như ngắm một bức chân dung đầy cảm thông về một con người phức tạp, kỳ bí, một chặng đường lịch sử của kinh doanh, một trận chiến pháp lý, hay chỉ đơn giản là một câu chuyện hư cấu tuyệt vời.”
- Business Week
“Một cuốn tiểu sử xứng đáng với tượng đài gã khổng lồ đích thực.”
- The Economist
Về tác giả: Ron Chernow, sinh năm 1949, tốt nghiệp Đại học Yale năm 1970, là tác giả người Mỹ đoạt giải Putlizer. Ông cũng giành được Giải thưởng National Book vào năm 1990 cho cuốn sách đầu tay của mình, The House of Morgan, và cuốn sách thứ hai, The Warburgs, giành được giải thưởng Eccles ở hạng mục Cuốn sách Kinh doanh hay nhất năm 1993. Ngoài ra, Alexander Hamilton là cuốn tiểu sử được đề cử cho giải thưởng vòng các nhà phê bình sách quốc gia trong năm 2004. Cuốn tiểu sử về John D. Rockefeller, Sr., Titan, là một tác phẩm bán chạy nhất tại Mỹ.
The House of Morgan sẽ sớm được Alpha Books ra mắt trong năm 2020!
|
Cảnh Thi