Tại cuộc gặp mặt báo chí quý I sáng 24/3, trả lời câu hỏi của phóng viên về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, ông Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, khẳng định: “Đúng là có hiện tượng nhiều cơ sở y tế thực hiện giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khác nhau”.
Khám chữa bệnh theo yêu cầu "mỗi nơi một giá"
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp.
Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư tương tự, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 và tình hình kinh tế xã hội khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng chưa thực hiện thông tư này. "Lý do được đưa ra là giá dịch vụ y tế tác động chỉ số giá tiêu dùng CPI và khả năng chi trả của người dân", ông Sơn cho hay.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết đến nay, Bộ Y tế "cơ bản hoàn thành dự thảo", đã lấy ý kiến các bộ ngành, chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chính phủ.
“Dù thẩm quyền ban hành thông tư này thuộc về Bộ Y tế, nhưng đây là văn bản quan trọng, trước khi bộ ban hành phải xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Sơn khẳng định. Bộ Y tế kỳ vọng trong tháng 4 sẽ ban hành thông tư này.
Tháng 11/2022, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tải Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, do Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến đóng góp.
Theo dự thảo này, bệnh viện hạng một, hạng Đặc biệt như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế... không được thu quá 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác, giá tối đa là 200.000 đồng/lần khám.
Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước, đến khám, tư vấn sức khỏe, dự thảo của Bộ Y tế đề xuất đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng một ngày với bệnh viện hạng Đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
"Không phải bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền"
Gửi ý kiến về VietNamNet sau khi thông tin dự thảo được đăng tải, nhiều độc giả cho rằng giá giường bệnh như vậy quá cao, như giá phòng khách sạn, chỉ có người giàu mới có khả năng chi trả.
Một giám đốc bệnh viện hạng 1 của Hà Nội lý giải "phòng khách sạn chỉ để ngủ, còn giường bệnh viện có rất nhiều máy móc, nhân lực phục vụ đi kèm".
Theo bác sĩ này, giá ngày giường với một bệnh nhân phải điều trị tích cực, 3 triệu đồng/giường (mức tối đa) có thể còn thấp hơn giá thực tế nếu tính chi tiết - tức vấn đề tính đúng tính đủ. Vị giám đốc cho hay trên thế giới giường hồi sức tích cực (ICU) có nơi lên đến 10.000 USD, có tích hợp máy móc.
Tại cuộc họp báo, ông Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, chia sẻ thông tin khi tham gia các cuộc họp liên quan xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có ý kiến cho rằng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu "không cần khống chế trần, vì phụ thuộc thị trường, ai có nhiều tiền thì trả tiền".
Tuy nhiên, theo ông Đức, không phải vì có thu nhập mà "thả ra" không quản lý. Cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, căn cứ vào đâu lại có giá 5-10 triệu đồng một phòng, không phải bệnh nhân có tiền là trả nhiều tiền.
theo Vietnamnet