Cách đây một năm người phụ nữ 52 tuổi, dân tộc Tày ở Hà Giang, phát hiện có khối u ở vú. Thay vì đi khám, bà mua lá của thầy lang về đắp. Khối u không tan mà ngày càng to thêm, căng phồng, đỏ, đau. Bà vào viện thì khối u ở vú trái đã vỡ loét lan rộng. Bệnh di căn vào phổi không thể phẫu thuật. Hiện bệnh nhân đã điều trị hóa chất 4 lần với mục đích kéo dài thêm được ngày nào hay ngày đó.
Là tuyến cuối chữa bệnh ung thư, Bệnh viện Trung ương (Hà Nội) thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng vú căng đỏ, to như trái bưởi, vỡ loét, chảy mủ, hạch nách sưng to. Bệnh đã phát triển đến giai đoạn cuối, di căn lên phổi, gan, xương, thời gian sống tối đa chỉ 1,5-3 năm.
Các bệnh nhân bỏ lỡ cơ hội vàng để điều trị khi khối u chưa di căn chỉ vì áp dụng theo những chữa ung thư được truyền miệng. Tiến sĩ Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 cho biết các bệnh nhân hầu hết ở vùng sâu, vùng nông thôn nghe chữa truyền miệng. Một số tự tìm hiểu thông tin trên mạng, quyết định không phẫu thuật, không hóa trị mà điều trị bằng các phương pháp không chính thống. Phổ biến nhất là bệnh nhân tự đắp lá, đắp cao để hút khối u, một số người bôi nước mắm.
“Đây là điều hết sức dại dột, bởi những thông tin và cách chữa này không được ai kiểm chứng. Thậm chí một số loại cao quá nóng sẽ kích thích tế bào ung thư phát triển mạnh hơn”, tiến sĩ Đức nói.
Ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở nữ giới Việt Nam, mỗi năm có trên 15.000 ca mắc mới. Đây lại là một trong số ít bệnh ung thư có tiên lượng tốt về điều trị. Phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng phương pháp, ung thư có thể lui hoàn toàn, cơ hội sống đến 10 năm, 15 năm hay 25 năm. Nhiều người vẫn có thể lập gia đình và có con bình thường.
Để phát hiện sớm ung thư vú, cách đơn giản nhất là chị em tự sờ, khám vú thường xuyên, thời điểm tốt nhất là sau kỳ kinh 7 ngày. Phụ nữ sau 50 tuổi nên định kỳ tầm soát vú, chụp X-quang tuyến vú mỗi năm một lần. Những trường hợp có nguy cơ cao khi trong gia đình có bố mẹ, mắc ung thư vú hoặc các ung thư khác cần đi tầm soát sớm hơn.
Phương Trang/VNE