Rủi ro đang có chiều hướng gia tăng
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 29/11 đến ngày 3/12, VN-Index giảm 49,71 điểm (-3,33%) xuống mốc 1.443,32 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 29.496 tỷ trên HSX, giảm 5,16% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 9,36 điểm (-2,04%) xuống mốc 449,27 điểm.
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, chỉ có duy nhất 2 nhóm ngành giữ được sắc xanh trong tuần là xây dựng (+5,2%) và dược phẩm (+3,6%). Ở chiều ngược lại, ngân hàng (-6,5%) và chứng khoán (-7,5%) là bộ đôi góp phần nhiều nhất khiến thị trường lao dốc.
Khối ngoại tiếp tục “xả” cực mạnh và chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Họ bán thêm 3.181 tỷ trên HSX trong tuần giao dịch này, trong đó tập trung nhiều nhất vào các mã như MSN, HPG, DXG. Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, khối ngoại đã bán ròng lên đến hơn 57.000 tỷ đồng trên HSX.
Theo ông Lê Văn Thành, chuyên viên phân tích Kinh tế vĩ mô và Thị trường chứng khoán, Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), sau 3 phiên đi ngang trước đó thì phiên cuối tuần đã phát đi tín hiệu khá tiêu cực. Áp lực bán rõ ràng đã tăng lên đáng kể cho thấy xung lực giảm điểm có thể sẽ tiếp tục tiếp diễn trong các phiên tới.
“Chúng tôi kỳ vọng đợt giảm này có thể đẩy VN-Index về vùng hỗ trợ 1.400 – 1.420 điểm. Trên biểu đồ tuần, VN-Index cho thấy sự chững lại của xu hướng tăng trước đó, khi tuần giao này đã san bằng tất cả những điểm số của tuần giao dịch trước. Rủi ro đang có chiều hướng gia tăng và thể hiện rõ hơn sau phiên giao dịch cuối tuần. Nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát, hạn chế bắt đáy, thậm chí nếu có sự hồi phục trong phiên tiếp theo thì ưu tiên căn bán tiếp”, ông Lê Văn Thành lưu ý.
VN-Index có thể cần lùi xuống test các vùng hỗ trợ
Còn theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xu hướng và tâm lý thị trường đang có sự suy yếu và trong tuần giao dịch tiếp theo 6/12-10/12, VN-Index có thể cần lùi xuống test các vùng hỗ trợ nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
“Nhà đầu tư đã chốt lời một phần danh mục trong tuần trước đó và duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải trong tuần vừa qua có thể canh những nhịp điều chỉnh trong tuần tới về các vùng hỗ trợ lần lượt là 1.420-1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) và hỗ trợ tâm lý 1.400 điểm (nếu có) để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, có thể tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt và định giá hấp dẫn ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) nhận định, vùng 1.430-1.440 điểm vẫn đang đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ cho xu hướng tích lũy của chỉ số. Tuy nhiên, dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên “mong manh” hơn. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, VCBS vẫn kỳ vọng diễn biến của các chỉ số trong một vài tuần tới sẽ dần ổn định và củng cố thêm nền tích lũy quanh vùng 1.440 – 1.450 điểm. Mặc dù vậy, giai đoạn này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư theo chiến lược “lướt sóng” ngắn hạn hơn là trường phái đầu tư dài hạn.
“Một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN-Index vượt 1.400 điểm. Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối cùng của năm 2021 này”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.