* Phóng viên: TP HCM đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm sớm khôi phục kinh tế - xã hội trong bối cảnh tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19. Sự kiện Lễ hội Áo dài lần thứ 8 năm 2022 có ý nghĩa như nào trong mục tiêu chung đó, thưa bà?
- Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM: Lễ hội Áo dài TP HCM lần thứ 8 năm 2022 diễn ra từ ngày 5-3 đến 15-4 do Sở Du lịch TP HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM và các sở, ban ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam". Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh cả nước và TP HCM đang khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, người dân trở lại trạng thái bình thường mới và TP HCM đã trở thành vùng xanh - vùng an toàn với Covid-19.
Bà NGUYỄN THỊ ÁNH HOA, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Sự kiện cũng nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống; giới thiệu nét đẹp và sự tiện dụng của áo dài; đưa áo dài trở thành trang phục quen thuộc của mọi giới, mọi ngành, được lựa chọn sử dụng thường xuyên trong công việc hằng ngày và trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng. Qua đó, góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó có TP HCM.
* Lễ hội Áo dài đang được TP HCM định hướng trở thành một sự kiện thường niên góp phần tạo sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước?
- Đúng vậy. Qua 7 lần tổ chức với quy mô ngày càng mở rộng và nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, Lễ hội Áo dài TP HCM đã trở thành một trong những sự kiện du lịch - văn hóa đặc trưng của thành phố, luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các nghệ nhân, nhà thiết kế áo dài, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, cơ quan ngoại giao và đặc biệt là sự tham gia của đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, sự kiện góp phần khẳng định quyết tâm của TP HCM trong việc khôi phục và phát triển sau dịch bệnh; giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế về một TP HCM sống động và hiện đại, một điểm đến hấp dẫn và an toàn; hướng đến xây dựng hình ảnh "đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á".
Lễ hội Áo dài TP HCM năm 2022 cũng mong muốn truyền cảm hứng về các giá trị nhân văn; tạo sự lan tỏa về tình yêu đối với áo dài - trang phục truyền thống độc đáo của người dân Việt Nam; tạo nét văn hóa đặc sắc, ấn tượng trong lòng du khách quốc tế.
* Từ ngày 15-3, ngành du lịch sẽ chính thức mở cửa trở lại các hoạt động du lịch quốc tế sau giai đoạn "ngủ đông". Nhưng mới đây, đề xuất của Bộ Y tế được cho là siết chặt quy định với khách nhập cảnh. Vậy, TP HCM sẽ đón khách quốc tế ra sao?
- Sở Du lịch TP HCM vừa tổ chức tọa đàm chủ đề "Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP HCM năm 2022". TP HCM cũng tiếp tục chuẩn bị nguồn lực y tế, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Sở Du lịch TP HCM sẽ tiếp tục kiến nghị những chính sách hỗ trợ về thuế, phí... nhằm giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn.
Lễ hội Áo dài năm 2022 nhằm giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế một điểm đến hiện đại, an toàn và hướng tới xây dựng hình ảnh đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á. Trong ảnh: Trình diễn tại Lễ hội Áo dài năm 2020 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngành du lịch thành phố đã chuẩn bị các giải pháp đón đầu thu hút khách quốc tế trở lại. Cụ thể, tăng cường quảng bá hình ảnh, điểm đến về thành phố sống động, hấp dẫn, an toàn với nhiều chuỗi sản phẩm, sự kiện, trong đó có Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch, Lễ hội Ẩm thực Việt Nam... nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển thêm tuyến sản phẩm mới. Sở Du lịch sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.
* TP HCM vốn là trung tâm du lịch của cả nước. Ngành du lịch đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong những năm qua. Năm nay, những giải pháp nào sẽ được Sở Du lịch triển khai để lấy lại vị thế vốn có của ngành, thưa bà?
- Ngay khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát tốt, Sở Du lịch đã tham mưu UBND TP HCM chuyển từ trạng thái "đóng cửa, chống dịch" sang chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả với phương châm "an toàn đến đâu, mở cửa đến đó", "mở cửa thì phải an toàn". Điểm nhấn của chiến lược này là Kế hoạch phục hồi ngành du lịch TP HCM với lộ trình gồm 3 giai đoạn.
Với tỉ lệ đóng góp từ 10% vào GRDP của thành phố và với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, việc tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Bởi ý nghĩa như vậy, du lịch là ngành đầu tiên của thành phố có kế hoạch phục hồi bài bản, thể hiện sự nhạy bén trong tư duy và hành động, sự chủ động, linh hoạt của Sở Du lịch và cộng đồng doanh nghiệp.
Từ những tháng cuối năm 2021 và những ngày đầu năm 2022, thành phố đã chứng kiến sự hồi phục sinh động của du lịch mà trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch nội đô với 6 chương trình du lịch mới hấp dẫn, kết nối các quận, huyện và TP Thủ Đức, khai thác thế mạnh của từng địa phương; các sự kiện du lịch trực tuyến và trực tiếp như Ngày hội Du lịch, Tuần lễ du lịch "TP HCM - Thành phố tôi yêu"; thúc đẩy liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 40 tỉnh, thành.
Ngành du lịch TP HCM đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm sớm lấy lại vị thế vốn có trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát với mức tăng trưởng khách quốc tế bình quân hơn 16%/năm, chiếm xấp xỉ 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; tăng trưởng khách nội địa đạt 14%/năm, chiếm khoảng 1/3 lượng khách nội địa cả nước; thu từ du lịch đạt hơn 13% tổng thu của thành phố và chiếm 22% tổng thu từ du lịch cả nước.
Chuẩn bị nhiều nhóm giải pháp mạnh
Để chuẩn bị thu hút khách quốc tế tới TP HCM, Sở Du lịch đã chuẩn bị kế hoạch "TP HCM chào đón bạn" với các nhóm giải pháp về truyền thông, sản phẩm, sự kiện, cơ chế, chính sách. Với mỗi nhóm giải pháp, Sở Du lịch đồng hành với các sở - ngành, doanh nghiệp để thực hiện nhằm tạo sức lan tỏa, tạo điểm nhấn khiến du khách quốc tế cảm nhận được tình cảm, sự hiếu khách và có những kỷ niệm đẹp. Một chiến dịch truyền thông phối hợp với các hãng hàng không, cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp sẽ được triển khai bên cạnh việc làm mới sản phẩm du lịch.
Về cơ chế, chính sách với ngành du lịch, phải làm sao để bảo đảm an toàn cho cộng đồng, thông thoáng cho du khách, thu hút được những đoàn khách quan trọng, khách MICE (loại hình du lịch kết hợp tổ chức sự kiện, hội thảo, hội nghị) thông qua dịch vụ cộng thêm cho ngành du lịch...