Thị trường chứng khoán mở cửa khá tích cực trong phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán với dòng tiền từ nhóm các nhà đầu tư cá nhân đổ vào mạnh và dứt khoát. Cổ phiếu tăng điểm trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới tiếp tục diễn biến tích cực.
Thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nước châu Á tăng điểm mạnh sau khi Mỹ công bố tăng trưởng GDP quý IV/2022 tăng 2,9%, vượt so với dự báo 2,8% trong bối cảnh nỗi lo về suy thoái kinh tế gia tăng trong thời gian gần đây.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực sau khi các tổ chức tín dụng hầu hết báo lợi nhuận trong năm 2022 tăng mạnh, trong đó có ngân hàng có lãi tăng gấp 3 lần.
Nhóm cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng giá ấn tượng ngay đầu phiên và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán.
Tới 10h sáng 27/1, cổ phiếu Vingroup (VIC) tăng 1.600 đồng lên 59.000 đồng/cp. Vinhomes (VHM) tăng 1.100 đồng lên 53.300 đồng/cp. Vincom Retail (VRE) tăng 750 đồng lên 30.350 đồng/cp.
Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 3.300 đồng lên 105.300 đồng/cp.
Cổ phiếu bán lẻ Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tăng 750 đồng lên 46.350 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và bảo hiểm cũng tăng điểm. GAS tăng 1.600 đồng lên 106.100 đồng/cp. Bảo Việt (BVH) tăng 800 đồng lên 50.700 đồng/cp…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán điều chỉnh nhẹ, phản ánh kết quả kinh doanh không mấy tích cực trong quý IV/2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên đầu năm mới Quý Mão diễn biến tích cực trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tốt đẹp đầu năm mới sau khi nền kinh tế Mỹ ghi nhận lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng và Fed có thể sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ sau một năm siết chặt.
Chứng khoán Mỹ phiên 26/1 (rạng sáng 27/1 giờ Việt Nam) tăng mạnh. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,76%; chỉ số tầm rộng S&P 500 tăng 1,1%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,61%.
Chỉ số ShangHai tăng 0,8% vào đầu giờ sáng 27/1.
Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất cũng như sẽ sớm đảo chiều chính sách tiền tệ trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó và lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng.
Theo kế hoạch, Fed sẽ có cuộc họp chính sách từ ngày 31/1 đến ngày 1/2.
Theo tín hiệu từ thị trường, gần như chắc chắn cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm lên 4,5%-4,75%, sau khi đã tăng 7 lần trong năm 2022.
Thị trường cũng phản án khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm nữa sau đó và đỉnh lãi suất sẽ ở mức 5%/năm, trước khi cắt giảm 50 điểm trong nửa cuối năm 2023 (xuống 4,5%/năm).
Nếu đúng như vậy, sức ép lên thị trường tiền tệ đã không còn cao như kỳ vọng trước đó. Đồng USD cũng suy giảm theo những tín hiệu mới.
Đồng USD tiếp tục giảm khá nhanh sau khi Mỹ công bố lạm phát Mỹ hạ nhiệt đúng như dự báo.
Chỉ số DXY, đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới, sáng 27/1 giảm xuống 101,85 điểm. Chỉ số này đã giảm hơn 11,5% so với đỉnh 115 điểm ghi nhận hôm 28/9/2022.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Mỹ tăng 6,5%, thấp hơn mức 7,1% ghi nhận trong tháng trước đó và đã rất xa so với đỉnh 9,1% ghi nhận trong tháng 6/2022.
Nhiều chuyên gia đưa ra dự báo thận trọng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 khi nhiều yếu tố vĩ mô còn chưa thuận. Đây cũng được xem là giai đoạn tích lũy và ổn định lại của thị trường cổ phiếu. Biên độ dao động được đánh giá nằm trong khoảng 1.0000-1.250 điểm.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, nhiều dự báo cổ phiếu sẽ tăng nhanh. Theo Maybank, VN-Index sẽ kiểm định lại vùng đáy và bật tăng mạnh lên 1.400 điểm trong 6 tháng cuối năm.
Phần lớn các dự báo cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang trong uptrend dài hạn. Còn trước mắt, có thể sẽ có điều chỉnh và kiểm thử lại các mức đáy gần đây.
Theo Vietnamnet