Thời điểm này các năm trước, người trồng ớt ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hối hả thu hoạch vụ ớt xanh bán cho thương lái xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Hàn Quốc. Thế nhưng năm nay, vào mùa thu hoạch ớt xanh lại vắng bóng người mua.
Ông Võ Văn Khoa (49 tuổi), ở xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ ớt năm nay gia đình ông đầu tư 7,5 triệu đồng trồng 3 sào ớt ở khu vực bãi bồi ven sông Quảng Huế. Hiện đã vào thời điểm thu hoạch ớt xanh nhưng không có ai đến mua. Theo ông Khoa, năm trước thương lái đến tận nơi mua ớt xanh với giá 6.000 đồng/kg, cuối vụ lên tới gần 10.000 đồng/kg. Nếu vụ này ớt xanh không bán được, gia đình ông sẽ để ớt chín, phơi khô rồi làm ớt bột để bán nhằm vớt vát tiền đầu tư.
“Nông dân chúng tôi đang điêu đứng, không đủ chi phí mà cũng phải làm. Tiền giống, tiền công chăm sóc khoảng 2,5 triệu đồng/sào. Đến mùa thu hoạch, cây ớt trái quá trời, không ai thu mua. Trước đây, thương lái thu mua ớt xanh làm tương thì đỡ hơn, hiện ớt không ai mua chỉ có để chín tại ruộng”, ông Khoa nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương có khoảng 200 hecta trồng ớt các loại, chủ yếu ở các xã Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Minh. Những năm trước đây, trên địa bàn huyện có một doanh nghiệp đứng ra liên kết, mua ớt của nông dân, nhưng đến nay không còn hoạt động.
“Hiện nay, vấn đề liên kết theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong thời gian vừa qua, một số nông sản liên quan đến xuất khẩu như cây ớt gặp khó khăn đầu ra. Chính vì vậy, năm nay ớt phục vụ cho xuất khẩu không có giá. Người nông dân sản xuất cây trồng này gặp khó khăn, nhất là giá cả và tiêu thụ nội địa”, ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay.
Tỉnh Quảng Nam có khoảng 500 hecta trồng ớt, tập trung ở các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và thị xã Điện Bàn. Hiện một số nơi ở tỉnh này, ớt xanh được mua với giá chỉ 4.000 đồng/kg tiêu thụ nội địa, nhưng số lượng không đáng kể. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 xuất khẩu ớt gặp nhiều khó khăn khiến ớt xanh rớt giá, thương lái không đoái hoài.
“Cây ớt trên địa bàn chủ yếu là xuất khẩu qua Trung Quốc, Hàn Quốc. Bởi vì các doanh nghiệp ký hợp đồng với người dân thực hiện chuỗi liên kết. Có những lúc khó khăn thì chuyển qua gửi kho, bán nội địa. Thời gian vừa qua, bị ảnh hưởng một phần nhưng không lớn lắm. Nếu như sản xuất không hiệu quả thì người dân tự chuyển”, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết./.