Giun lươn có thể trườn bò khắp cơ thể, gây nguy hiểm cho sức khoẻ
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết BV vừa tiếp nhận điều trị trường hợp nữ bệnh nhân người Việt hiện đang sinh sống ở Lào.
Mới đây, trong lần về Việt Nam chơi, bệnh nhân thấy có biểu hiện bất thường nên bệnh nhân đã đi khám. Kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy bệnh nhân bị nhiễm giun lươn.
Theo lời kể của bệnh nhân, vì nhà có mảnh vườn nên chị có thói quen tự trồng, chăm cây cối. Gần đây, bệnh nhân thấy xuất hiện nhiều nốt sẩn ngoằn ngoèo trên da, di chuyển. Thỉnh thoảng tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ nguậy.
Khi về Việt Nam, bệnh nhân đi khám và xét nghiệm có huyết thanh chẩn đoán giun lươn đã đến BV Nhiệt đới Trung ương khám lại.
Bác sĩ Cấp cho biết giun lươn tồn tại tự do trong đất, ruộng, đặc biệt những nơi có tập tục đi vệ sinh ngoài môi trường, ngoài ruộng, chỉ đào một hố nhỏ xong lấp đi, những vùng này sẽ ô nhiễm giun lươn nhiều.
Được biết, loại ký sinh trùng này xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, hoặc qua vật trung gian như chó mèo. Tại vị trí ngứa có các vết ngoằn ngoèo dài khoảng 6 - 8 cm, các vệt này hằn đỏ, phản ứng viêm hai bên của vết chạy, duy nhất chỉ xuất hiện trên cánh và cẳng tay. Giun lươn có thể "trườn" khắp cơ thể, khi xuống ruột lại thành giun trưởng thành và đẻ trứng, nở thành ấu trùng, gây nên tình trạng bệnh nhân tự nhiễm đi nhiễm lại trong nhiều năm. Khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, chúng phát triển rất mạnh và phát tán đến nhiều cơ quan, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tại châu Á, giun lươn có ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia... Ở Việt Nam, khu vực Tây Nguyên có tỉ lệ nhiễm cao nhất, lên tới hơn 42%. Hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn tính thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón.
D.Thu/NLĐ