Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ ra rằng nếu nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng mỗi năm 7% thì đến năm 2035 mới bằng nông nghiệp Malaysia hiện nay.
"Nông nghiệp Việt Nam muốn bắt kịp các nước thì phải hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn 10%, không thể hài lòng với mức tăng trưởng 2%-3% như hiện tại. Để đạt tăng trưởng cao, ngành nông nghiệp đang kích hoạt tư duy kinh tế, tư duy thị trường thay cho tư duy sản xuất nông nghiệp, thành tích tính bằng sản lượng. Tôi mong lãnh đạo ngành nông nghiệp địa phương tăng tính chủ động, sáng tạo thay vì chờ đợi chỉ đạo từ cấp trên" - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Vụ Kế hoạch - Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2016-2021, 67 nhà máy chế biến nông lâm thủy sản lớn với tổng vốn đầu tư 2,58 tỉ USD đã khởi công và đi vào hoạt động, cho thấy công nghiệp chế biến đã được quan tâm phát triển. Một số ngành của Việt Nam đã có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại, mang tầm thế giới như: hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra… Những nhà máy thành công thường liên kết với nông dân, thông qua các HTX để thu mua nguyên liệu.
Theo TS Trần Minh Hải, Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT II, trong giai đoạn cao điểm giãn cách ở TP HCM, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam khó khăn nhưng qua kết nối của tổ công tác đặc biệt Bộ NN-PTNT (Tổ 970), các nông sản có chứng nhận VietGap, GlobalGap đều "cháy hàng". Các sản phẩm dù không có giấy chứng nhận nhưng có hệ thống quản lý chất lượng minh bạch để tự công bố cũng tiêu thụ tốt. "Các đơn vị sản xuất cần thay đổi tư duy để thích ứng kịp với thị trường, nếu tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ rất khó về đầu ra" - TS Hải nhận xét.