Chiều 13-4, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận thông tin về việc nhiều người lao động, cán bộ y tế, trong đó có những nhân lực chất lượng cao của một số khoa phòng xin nghỉ việc, chuyển công tác.
Nói về thông tin này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết không phải gần 100 nhân lực của bệnh viện nghỉ việc mà là gần 200 người.
Ông Tuấn cho biết những người nghỉ việc không phải tất cả đều là nhân lực trình độ cao mà có những nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm sau khi bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
"Có một số trong số gần 200 người này có trình độ tiến sĩ, có người là phó giáo sư, nhưng đó là họ chuyển sang nơi có thu nhập cao hơn"- ông Tuấn nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, về thông tin nhiều bác sĩ có trình độ cao của Bệnh viện Bạch Mai chuyển công tác, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), cho biết đã nhận được báo cáo từ Bệnh viện Bạch Mai về việc có nhiều người lao động, nhân viên y tế tại bệnh viện này xin nghỉ việc.
Theo vị này với trách nhiệm là cơ quan quản lý, Bộ Y tế đã biết việc này và yêu cầu bệnh viện báo cáo vào ngày 2-2-2021 và nhận được báo cáo từ bệnh viện vào 22-3.
Theo đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, nguyên nhân của việc cán bộ, viên chức xin chuyển công tác thì có nhiều, trong báo cáo của bệnh viện có phân tích một trong các nguyên nhân là do chế độ, chính sách đãi ngộ với viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, tổng doanh thu của bệnh viện giảm. Bệnh viện đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm nguồn thu cho bệnh viện, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức.
Vị này cũng cho rằng để người lao động gắn bó với đơn vị có rất nhiều yêu cầu: Nhu cầu của người lao động, người quản lý có tạo môi trường thân thiện không, có người thì dịch chuyển vì mong mức thu nhập cao hơn... "Trước đây, một số Bệnh viện công lập khác cũng có tình trạng nhiều người nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân"- vị này nói.
Khi được hỏi về việc hàng loạt nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc có phải do bệnh viện chậm trả lương và nợ lương, vị đại diện Vụ Tổ chức cán bộ cho biết đến nay chưa nhận được phản ánh nào về việc bệnh viện nợ lương nhân viên y tế.
Trước đó có thông tin về việc gần 100 cán bộ bác sĩ cốt cán của Bệnh viện Bạch Mai đã xin nghỉ việc, chuyển công tác sang bệnh viện công lập và tư nhân khác trong khoảng thời gian 1 năm vừa qua.
Qua tìm hiểu được biết, có những bác sĩ là nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, là Phó giáo sư, tiến sĩ nhiều năm gắn bó với bệnh viện cũng đã quyết định "dứt áo ra đi".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai đã làm đơn xin nghỉ việc và chuyển công tác sang đơn vị mới cho biết việc họ xin nghỉ việc là do không đồng tình với cách quản lý của người đứng đầu. Một bác sĩ cho rằng cách quản trị của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua là không phù hợp và mang tính chất cảm tính. Việc bổ nhiệm một số lãnh đạo khoa phòng mang tính cá nhân, không có tính tập thể. Đơn cử, hệ thống quản lý chất lượng là xu thế tất yếu để nâng cao hơn nữa chất lượng bệnh viện của các cơ sở y tế nhưng lãnh đạo bệnh viện đã gom đơn vị này thành một tổ trong Phòng kế hoạch tổng hợp là không phù hợp.
"Dư luận cho rằng bác sĩ và một số cán bộ lãnh đạo (phó trưởng khoa) xin nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua là do lương, thưởng bị chậm và bị cắt giảm mạnh so với trước đó nhưng đây không phải là lý do chính. Tôi xin nghỉ việc vì cảm thấy không phù hợp với cách quản lý của người đứng đầu. Nhiều người nghỉ việc vừa qua có lẽ đa số đều mong muốn có môi trường làm việc tập trung chuyên môn hơn "- một bác sĩ chia sẻ.
Theo một bác sĩ đã nghỉ việc tại Bệnh viện Bạch Mai, dù đã nghỉ việc nhiều tháng nay nhưng cách đây 1-2 tuần bác sĩ này vẫn nhận được lương của bệnh viện. Đây là khoản lương bệnh viện đã nợ từ nhiều tháng trước đó.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, mỗi ngày tiếp nhận 6.000-7000 người đến khám và hàng ngàn người điều trị nội trú.
Người lao động