Một số bác sĩ đã có kinh nghiệm nhiều năm…đón giao thừa trong bệnh viện trải lòng về những kỷ niệm đầu năm:
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố:
12 giờ chiến đấu xuyên giao thừa
Kỷ niệm tôi nhớ nhất là một em bé 2 tuổi được đưa vào phòng cấp cứu trong đêm trước 2 giờ trong tình trạng sốc bỏng nặng, nguy kịch. Nghe người nhà nói cháu lang thang gần mâm cúng cuối năm, vô tình làm đổ đồ, hứng trọn bình nước sôi…Năm đó, chúng tôi không nhớ rõ giao thừa đã qua lúc nào, chỉ biết lao vào cứu bé, trông đợi bé qua được cơn nguy kịch. Khi cháu bé hết sốc thì 12 giờ đã trôi qua, năm mới đã đến từ lâu…Bé bỏng nặng, phải nằm viện khá lâu nhưng đó là khoảnh khắc đáng nhớ, bởi hết sốc là mốc quan trọng đầu tiên để giành lại sự sống.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến trong một buổi tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu - ảnh: ANH THƯ
Tôi "có duyên" trực giao thừa nhiều nên đôi khi cũng bị bà xã "nhắc nhở". Chúng tôi làm cùng ngành, có năm hai vợ chồng trực cùng lúc, mấy đứa nhỏ ở nhà không ai trông, phải cầu cứu bà ngoại. Nhưng điều tôi mong muốn nhất vẫn là bớt thấy trẻ nhỏ phải gặp nạn, vào viện trong những ngày này. Tết, trẻ con hay gặp tai nạn sinh hoạt, nào là bỏng, điện giật… có lẽ cũng vì cha mẹ bận rộn, trẻ không đi học, người giữ trẻ cũng nghỉ Tết, những bóng đèn trang trí Tết nhấp nháy, mâm cúng Tết nhiều thứ lạ,... sơ ý một chút là trẻ nhỏ có thể nghịch dại.
Là một bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu nhi, sự nghiệp của anh gắn liền với những phút đấu tranh sinh tử, giành lấy bệnh nhi từ tay thần chết - ảnh: ANH THƯ
Năm nay tôi không trực giao thừa nhưng trực mùng 1 và cũng như mọi năm, tôi sẽ bày trò vui nho nhỏ đề các đồng nghiệp trẻ có thêm tiếng cười. Đó là màn lì xì "bốc thăm may mắn", với nhiều mệnh giá khác nhau, mọi người còn nói rằng mấy lần trước cô nào may mắn bốc được phong bì mệnh giá cao là trong năm…có chồng, nên hào hứng tham gia lắm.
TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương:
Cảm xúc quý giá đầu năm
Tôi nhiều lần trực giao thừa. Mỗi lần như thế, ngày cuối năm là một ngày rất bận rộn. Phụ nữ mà, tôi cố gắng cơm nước xong xuôi trước khi đi làm. Đôi khi trên đường đi làm, nhìn mọi người thấy cũng có chút chạnh lòng nhưng vào đến ca trực rồi là dường như quên tất cả. Đó cũng là lựa chọn của mình mà, khi bước chân vào trường y là đã chấp nhận làm cái nghề sẽ phải đi làm kể cả ngày lễ, Tết…
Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết là một nữ bác sĩ sản khoa có tiếng "mát tay" trong lĩnh vực hiếm muộn - Ảnh nhân vật cung cấp
Niềm vui lớn nhất của tôi trong những giao thừa trực bệnh viện là khoảnh khắc được trông thấy một em bé chào đời. Và không chỉ là giao thừa, lúc nào nhìn thấy trẻ con chào đời, tôi cũng có một cảm xúc rất đặc biệt, mấy mươi năm làm nghề rồi vẫn vậy. Nó khóc, mình cười. Là con của một cặp đôi hiếm muộn thì càng vui, càng quý. Cảm xúc ấy rất quan trọng với tôi. Tôi thường bảo với mọi người rằng khi nào tôi mất đi cảm xúc ấy, đó là lúc tôi nên "gác kiếm".
Những nụ cười đêm trước giao thừa 2018 ở Bệnh viện Hùng Vương - ảnh: ANH THƯ
Thạc sĩ – bác sĩ Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM:
Những chuyến xe cấp cứu ngoại viện xuyên đêm
Giao thừa có khi chúng tôi còn bận rộn hơn ngày thường, nhiều năm hết chuyến này đến chuyến khác đi xuyên đêm. Ngoài tai nạn, còn có trường hợp những người có bệnh nhưng ráng chờ, vì sợ đầu năm mà ở bệnh viện không may, đến đêm ấy thì nặng quá, phải gọi cấp cứu.
Thạc sĩ - bác sĩ Võ Quang Huy (phải) trong một chuyến cấp cứu ngoại viện, khi anh còn là một phó khoa. Hiện nay, tuy giữ cương vị phó giám đốc nhưng anh vẫn cùng thuộc cấp cùng đi cấp cứu trên xe nếu quá nhiều cuộc gọi đến cùng lúc hay khi xảy ra tai nạn lớn, cần nhiều bác sĩ - ảnh: ANH THƯ
Ngoài những xe đi cấp cứu thì còn những xe được giao nhiệm vụ trực tại các điểm vui chơi hay theo đoàn vận chuyển pháo bông. Có năm tôi ngồi xem pháo bông…trong xe cấp cứu.
Cảm xúc làm tôi nhớ nhất là trên những chuyến xe tìm tới những bệnh nhân mà qua cuộc gọi thông báo, chúng tôi đánh giá có khả năng ngưng tim, ngưng thở. Chỉ mong đến mau mau, kịp lúc người ta mới yếu thôi, chưa ngưng thở hoàn toàn. Điều chúng tôi mong muốn đầu năm cũng đơn giản: thấy người mình có nhiệm vụ đến cứu qua cơn nguy hiểm, đưa họ đến bệnh viện an toàn và thấy được rằng ca đó có hy vọng.