Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức diễn đàn này nhằm thảo luận vai trò của nhà đầu tư trong việc xây dựng khu đô thị thông minh, cũng như lắng nghe các sáng kiến để kết nối giữa 4 nhà Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính, trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới của doanh nghiệp.
Đồng thời, góp phần huy động mọi nguồn lực của xã hội, đặc biệt là nguồn lực của doanh nghiệp để cùng chung tay, góp sức đưa TP.HCM phát triển lên tầm cao mới. Theo đó, trong những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa và tác động đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tốc độ đột phá của cuộc cách mạng này đã làm thay đổi tận gốc các lực lượng sản xuất.
Giải thích về khu đô thị thông minh, lãnh đạo TP.HCM cho biết, TP.HCM định hướng việc hình thành khu đô thị thông minh nằm ở cửa ngõ TP.HCM bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần. Cụ thể, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường đại học lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên, sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế. Với quận 9 có khu CNC thành công nhất ở Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại khu vực này đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái…
Mục tiêu của TP.HCM phát triển hướng Đông và là hướng phát triển chính trong những năm tới còn do khu vực này thừa hưởng hệ thống giao thông gắn kết phát triển vùng là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương.
Với quỹ đất rộng lớn, lại là cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn và thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), cho biết các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẵn sàng rót vốn đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng Thành phố thông minh.
Theo đó, Amcham phối hợp với Lãnh sự quán Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin - Truyền thông và các tỉnh, thành Việt Nam, đã thành lập Hiệp hội Công nghiệp thành phố thông minh Hoa Kỳ - Việt Nam. Hiện hiệp hội có 30 doanh nghiệp thành viên hoạt động trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, phần mềm, phần cứng, năng lượng và công nghệ xử lý nước thải và sẽ mạnh dạn tham gia vào chiến lược này của TP.HCM.
Được biết, ngay từ khi chiến lược phát triển khu đô thị thông minh đang ở những bước đầu hoạch định, tập đoàn địa ốc hàng đầu Singapore là Kepple Land đã tuyên bố sẽ "rót" hơn 500 triệu USD để phát triển một khu phức hợp thông minh tại quận 2.
Theo đó, tập đoàn này cũng đang có kế hoạch đầu tư dự án Saigon Sport City tại quận 2, nhằm xây dựng một đô thị thông minh trên cơ sở ký kết hợp tác với Microsoft và nhiều đối tác liên quan để kết nối khoa học công nghệ, ứng dụng quản trị thông minh vào an ninh, công nghệ bán lẻ, các dịch vụ phục vụ đời sống người dân...
Giữa tháng 3/2018, Keppel Land đã công bố chính thức sở hữu 100% tại dự án Saigon Sports City sau khi thâu tóm 10% còn lại từ JenCity Limited thông qua công ty con Oil Asia Pte. Limited. Giá trị giao dịch vào khoảng 11,4 triệu USD. Tổng chi phí phát triển dự án Saigon Sports City khoảng 500 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 90.000 m2 với sản phẩm là trung tâm thương mại và 1.220 căn hộ, dự kiến được giới thiệu ra thị trường nửa cuối năm nay.
Mới đây nhất, đại diện Cục Phát triển Doanh nghiệp Singapore, Cố vấn Kinh tế cấp cao của Bộ Công Thương Singapore và đoàn gồm 30 doanh nghiệp hàng đầu nước này đã có cuộc làm việc với UBND TP.HCM. Qua đó, các nhà đầu tư đã đi thăm nhiều khu vực thuộc khu Đông TP.HCM, tại đây tiết lộ sẽ tham gia thực hiện các dự án quy hoạch tổng thể và xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo của TP.HCM.
Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản ở nhiều lĩnh vực khác nhau cũng vừa đến TP.HCM tham quan, làm việc với chính quyền địa phương nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư vào khu đô thị thông minh này. Theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, khu Đông TP.HCM, ngoài hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư khá đồng bộ, trong tương lai sẽ tạo nhiều thuận lợi kết nối với sân bay Long Thành. Đặc biệt, với quỹ đất rộng lớn, lại là cửa ngõ của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nên tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn.
Được biết, Chính phủ Nhật Bản và hơn 20 công ty đang hợp tác với Việt Nam để xây dựng một đô thị thông minh ở Hà Nội từ nay đến năm 2023, với các xe buýt tự lái và một loạt các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Theo đó, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng nhiều công ty tên tuổi như tập đoàn Sumitomo, hãng xe Mitsubishi và nhà điều hành tàu điện ngầm Tokyo Metro sẽ tham gia vào dự án xây dựng khu đô thị công nghệ cao rộng 310 ha ở khu vực Nhật Tân - Nội Bài, phía bắc của Hà Nội.
Theo lãnh đạo của các công ty Nhật Bản, ước tính giá trị dự án lên đến gần 4 nghìn tỷ yên, tương đương 37,3 tỷ USD. Đây là dự án lớn nhất do Nhật Bản đứng đầu ở nước ngoài. Nguồn vốn bao gồm tiền do chính các công ty kêu gọi, vốn ODA từ Nhật Bản và hỗ trợ của chính phủ.
Mạng lưới hạ tầng khu Đông gồm: Xa lộ Hà Nội, các tuyến vành đai, tuyến metro... đang được đầu tư khá đồng bộ, thuận lợi cho việc hình thành khu đô thị thông minh.
Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, trong năm nay, TP.HCM mong muốn tổ chức cuộc thi lựa chọn các đơn vị tư vấn quốc tế nhằm hỗ trợ thành phố xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể đô thị thông minh, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị này.
Đặc biệt, trong chiến lược 3 năm tới, TP.HCM sẽ đẩy nhanh xây dựng và hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giải quyết ùn tắc và dần khép kín hệ thống hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn.
Trong đó, các dự án giao thông khu Đông TP.HCM sẽ được ưu tiên thực hiện hoàn thành, bao gồm đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 2 (từ cầu Phú Hữu đến nút giao Gò Dưa, nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú); cầu Thủ Thiêm 2; dự án 4 tuyến đường quanh Khu đô thị Thủ Thiêm; nút giao thông khác tại vòng xoay Mỹ Thủy - công trình trọng điểm về giải tỏa ùn tắc giao thông tại khu vực cảng Cát Lái.
Trong giai đoạn 2018-2020, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông phía Đông, như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường Vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy), nâng cấp và mở rộng tuyến đường Tô Ngọc Vân kết nối từ đại lộ Phạm Văn Đồng đến Xa lộ Hà Nội...
Về loại hình vận tải khối lượng lớn hiện đại, theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, ngoài dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động dọc trục cửa ngõ phía Đông từ quận 1, Bình Thạnh đến quận 2, 9 và Thủ Đức vào năm 2020, tuyến này còn kết nối đến cả tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Gia Khang
Theo Trí thức trẻ