Mô hình tổ vay vốn, tổ liên kết
Đây là mô hình được phối hợp thực hiện giữa Agribank, Hội Nông dân Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam. Tính đến 31/3/2018, cả nước có 52.380 tổ đang hoạt động với 1.261.847 thành viên tham gia. Tổng dư nợ cho vay thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết đạt 90.810 tỷ đồng.
Cuối năm 2016, Hội đồng Thành viên Agribank ban hành triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả cho vay đối với hộ gia đình và cá nhân thông qua Tổ vay vốn - Tổ cho vay lưu động". Theo đó, Agribank đặt ra mục tiêu cụ thể nâng dần tỷ trọng cho vay qua tổ từ 14,2% lên 25% trên tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân. Sau 5 năm triển khai nâng tổng dư nợ cho vay qua tổ đạt 165.000 tỷ đồng.
Theo đại diện ngân hàng, mô hình tổ vay vốn đã trở thành một kênh dẫn vốn và quản lý vốn giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, đưa họ thoát nghèo và làm giàu tại quê hương.
Chương trình 50.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp sạch
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào ngày 24/3/2015, Agribank cho ra mắt gói tín dụng ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.
Cụ thể, ngân hàng đã nhanh chóng chỉ đạo các chi nhanh trong hệ thống, triển khai thực hiện với quy mô tài trợ vốn cho chương trình không hạn chế, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai cho vay với lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1,5%.
Chương trình được áp dụng kể từ ngày 01/11/2016 các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp , hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đặc biệt, Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank tại thời điểm đó.
Nhiều đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động nhờ nguồn vốn cho nông nghiệp sạch của Agribank như: nuôi tôm giống tại Kiên Giang, Ninh Thuận, trồng rau củ tại Lâm Đồng, chăn nuôi ở Bắc Ninh, Lào Cai… … Agribank cho biết, tính đến 30/4/2018, dư nợ là 5.108 tỷ đồng, có 3.096 khách hàng trong đó có 80 khách hàng doanh nghiệp dư nợ 4.433 tỷ đồng.
Hợp tác với đối tác Nhật Bản giúp nông dân tiếp cận công nghệ cao
Agribank và Tập đoàn Yanmar đã ký thoả thuận hợp tác trong nông nghiệp vào năm 2017 với mục tiêu tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam được tiếp cận với những máy móc tiên tiến nhất.
Theo thoả thuận ký kết, Agribank sẽ ưu tiên và tạo điều kiện cho các đại lý bán hàng của Yanmar Việt Nam mở tài khoản, vay vốn, bảo lãnh thanh toán để mua máy móc và thiết bị của Yanmar. Đồng thời, tạo điều kiện cho các khách hàng vay vốn mua máy máy nông nghiệp như máy gặt, máy cấy hoặc máy làm đất của Yanmar theo đúng quy định hiện hành của Agribank và pháp luật Việt Nam với những ưu đãi về miễn/giảm lãi suất, phí.
Sau chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ nông nghiệp sạch (với quy mô nguồn vốn cho vay tối thiểu 50.000 tỷ đồng), đây là một trong những hành động cụ thể tiếp theo của Agribank nhằm hiện thực hóa chủ trương của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước về đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Các chương trình khác
Ngân hàng đang thực hiện chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn 645.367 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,6%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Các gói cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo QĐ 63,6568/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ hiện có dư nợ 4.291 tỷ đồng với 14.836 khách hàng.
Ngoài ra, chương trình cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 06/2009/TT-NHNN hiện có mặt ở 18 tỉnh, với dư nợ: 2.699 tỷ đồng với 49.919 khách hàng.
Chương trình Nông thôn mới đang được triển khai tại 8.937 xã với dư nợ 372.985 tỷ đồng với 2.631.094 khách hàng.
Nhiều hộ nông dân cũng được tham gia chương trình cho vay gia súc, gia cầm với dư nợ cho vay 40.775 tỷ đồng trên 339.699 khách hàng.
Chương trình cho vay tái canh cà phê hiện có dư nợ 648 tỷ đồng với 4.769 khách hàng.
Được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây là cho vay theo Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Tính đến 31/3/2018, tổng dư nợ của chương trình là 5.032 tỷ đồng với 616 khách hàng, tăng 2.102 tỷ đồng và 154 khách hàng so với đầu năm. Tính đến nay, đã có 561 tàu được đóng mới và nâng cấp nhờ chương trình này.
Thúy An/Vnexpress