Dù có nhà xe rộng và diện tích căn hộ tương đối rộng, xong nhiều dân cư chung cư Tín Phong vẫn phải gửi xe ở ngoài trời. Ảnh: Quỳnh Như
Theo thống kê gần nhất của Sở Xây dựng TP. HCM, hiện tại, TP. HCM có trên 1.000 tòa căn hộ chung cư, trong đó có tới 474 chung cư xây dựng trước năm 1975.
Về cơ bản, có thể phân chung cư làm 2 loại, loại xây dựng từ trước đến cách đây 7 năm và sau đó. Hầu hết chung cư kiểu cũ đều dùng tầng trệt để để xe, không có tầng hầm. Ngược lại, chung cư kiểu mới thường có một tầng hầm để xe, tầng trệt dùng để xây dựng shophouse. Tuy nhiên, dù kiểu gì, thì 1 tầng để xe chỉ đủ cho chung cư cao cấp có diện tích căn hộ lớn, còn với diện tích phổ biến từ 45m2 đến 52m2, thì chắc chắn sẽ không đủ.
Càng ở khu vực trung tâm, tình trạng này càng phổ biến, có những chung cư ở trung tâm quận 1 như tòa chung cư ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học còn không có cả chỗ để xe.
Chung cư 1AB Cao Thắng với khoảng 50 hộ dân cư xây dựng cách đây khoảng 10 năm, bãi để xe ở tầng trệt của chung cư chỉ đủ sức chứa xe máy, không có chỗ cho xe ô tô. Nếu có xe ô tô, cư dân ở đó phải gửi ở Công an phường kế bên hoặc Công viên Sen Hồng, bãi xe tại Kỳ Đồng khá xa chung cư. Tầng trệt của chung cư 5B Cao Thắng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu gửi xe máy của dân cư trong chung cư, xe máy để tràn ra cả đường đi vào chung cư.
Hay chung cư Tín Phong ở quận 12, dù tầng hầm để xe của họ khá rộng và diện tích căn hộ từ 50m2 – 80m2, xong chỗ để xe cũng chỉ đáp ứng đủ nhu cầu gửi xe máy cùng ½ nhu cầu gửi xe ô tô của cư dân. Cũng may mắn cho cư dân chung cư này, khi diện tích chung của tòa nhà này khá rộng, họ có thể để xe ô tô ngay trên lối đi nội bộ trong khuôn viên chung cư.
Tòa nhà 1 tầng hầm là vậy, ngay cả chung cư có 2 tầng hầm để xe cũng chưa hẳn đã tốt hơn. Anh Công Minh, cư dân chung cư Useful đường Lạc Long Quân – Tân Bình kể: “Tôi về ở đây đã được 3 năm, hồi đầu thì mọi chuyện điều ổn, nhưng khoảng một năm trở lại đây, đột nhiên lượng xe hơi tăng lên, khiến chuyện để xe ô tô hết sức căng thẳng.
Bây giờ, tầng hầm thứ nhất chứa xe máy vẫn ổn, nhưng tầng hầm thứ hai chứa xe ô tô đang rất loạn. Tầng hầm đang bị len cứng xe ô tô, có khi để ra cả đường đi, khiến việc vào đỗ xe và lấy xe của mọi người gặp nhiều khó khăn. Để không khiến mọi người kiện cáo, ban quản lý vừa đề ra quy định, nếu muốn có chỗ để xe trong tầng hầm phải đồng thời thỏa 2 điều kiện: xe chính chủ và nhà chính chủ”.
Dù thế, tầng hầm thứ 2 của Useful cũng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu của người dân trong chung cư. Những người đến sau hoặc không đủ 1 trong 2 điều kiện trên, phải gửi xe ở rất xa, vì khuôn viên chung cư này hết sức nhỏ, không như chung cư Tín Phong.
Vì không có bãi để xe, nhiều cư dân Ehome 3 buộc phải để xe máy ở khu vực sinh hoạt chung
Nghiêm trọng nhất có lẽ là trường hợp Ehome 3 ở quận Tân Bình. Cuối năm 2017, rất nhiều cư dân ở đây đã phải gửi lời kêu cứu tới các cơ quan báo đài do sau khi vào ở, họ phát hiện là mình không có chỗ để xe, ngay cả xe máy. Nhiều người trong số 356 căn hộ ở 2 tòa nhà Ehome 3 đành phải để xe máy trên lối đi, công viên và cả khu vui chơi trẻ em.
Thế nên, cũng đừng nói tới chỗ để xe cho ô tô ở Ehome 3, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thông tin vụ việc trên đã được giải quyết, vẫn có rất nhiều cư dân ở chung cư này rao bán căn hộ của mình.
Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng trên.
Đầu tiên, trước năm 2016, trong Luật Nhà ở không quy định rõ về chỗ để xe, nên các chủ đầu tư muốn xây sao thì xây. Do chủ đầu tư nào cũng muốn giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, nên họ không quan tâm tới chuyện chỗ để xe cho cư dân sau này có đủ hay không, nhiều nhất là 1 tầng.
Việc cư dân ở chung cư có đủ chỗ đậu xe máy hay không phụ thuộc vào lương tâm của chủ đầu tư, còn chuyện bãi giữ xe cho ô tô thì "sao phải nghĩ".
Thứ hai, theo Thông tư 02/2016 quy định: mỗi căn hộ phải có ít nhất 2 chỗ để xe máy và cho phép chủ đầu tư bán 1 phần bãi đậu xe riêng của chủ đầu tư để khai thác kinh doanh.
Quy định đầu tiên, bảo đảm các chung cư xây sau 2016 buộc phải có bãi đậu xe và bảo đảm các cư dân đi xe máy trong chung cư đều có chỗ để xe, xong nó chẳng giúp ích gì nhiều cho những cư dân có xe ô tô.
Còn quy định thứ hai càng khiến diện tích đỗ xe của khu vực công cộng bị hạn chế, xe ô tô càng không có chỗ. Với 4 khoản phí phải trả: tiền mua chỗ đậu xe sở hữu riêng, đóng 2% phí bảo trì cho diện tích chỗ để xe, phí dịch vụ cho diện tích chỗ để xe, phí trông giữ xe; không phải cư dân nào cũng có khả năng kham nổi. Ở vài chung cư cao cấp, thậm chí chỗ để xe còn được bán với giá tiền tỷ.
Thứ ba, các chung cư xây dựng hiện đại sau này được phép xây officetel, loại hình mới này cũng gây một áp lực rất lớn lên bãi đỗ xe của chung cư. Theo quy định mới, một căn hộ 42m2 trở lên phải có 2 chỗ đậu xe, officetel thường được xây với diện tích 30m2, một officetel có từ 5 đến 10 nhân viên làm việc. Như thế, dù diện tích bằng gần bằng ½ căn hộ chung cư nhưng mà số lượng xe tăng lên ít nhất năm lần.
Ông Thành nhận định: “Kể cả những chung cư của các chủ đầu tư lớn chỗ đậu xe ô tô cũng không đủ nếu dân cư vào ở lấp đầy 100%. Các căn hộ chung cư ở quận trung tâm bán rất nhiều tiền, ngoài yếu tố giá thị trường còn vì chi phí thi công cũng rất cao. Với việc ở khu vực trung tâm không có đất cho việc làm bãi xe nổi, muốn có diện tích để xe lớn đáp ứng đầy đủ nhu cầu dân cư, các chủ đầu tư buộc phải xây nhiều tầng hầm, dẫn tới chi phí bỏ ra rất lớn.
Làm sao để có thể đáp ứng được nhu cầu để xe cả ô tô lẫn xe máy của cư dân mà giá cả căn hộ không đội lên quá cao là một bài toán rất khó giải đối với các chủ đầu tư chung cư ở khu vực trung tâm”.
Với việc, giới chủ đầu tư bất động sản vẫn chưa tìm ra được phương án nào khả dĩ, việc thiếu chỗ để xe ô tô ở chung cư sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa.
Theo các chuyên gia, hiện tại, muốn bảo đảm có chỗ đậu xe ô tô tử tế khi ở chung cư, người dân có thể thử 1 trong 2 cách: mua chung cư cao cấp hoặc có thỏa thuận riêng về chỗ đậu xe ô tô với chủ đầu tư khi ký hợp đồng mua nhà.
Quỳnh Như /TheLEADER