Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội kết quả kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng, gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Ngân hàng Hợp tác xã, Oceanbank, GPBank, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Ngân hàng Quân đội (MB).
Trong đó, các "ông lớn" ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV... được báo cáo nêu thua lỗ nặng trong đầu tư tài chính. Khoản đầu tư gần 205 tỷ đồng (khoảng 9,62 triệu USD) của Vietcombank vào Công ty chuyển tiền Vietcombank đã không mang lại hiệu quả và lỗ 5,34 triệu USD đến cuối 2016. Tương tự, hơn 135 tỷ đồng ngân hàng này rót vào Công ty Liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank cũng lỗ 12,8 tỷ đồng...
Một nhà băng khác là BIDV đầu tư 3.128 tỷ đồng vào 3 công ty con cùng 12 khoản dài hạn khác trị giá 280 tỷ đồng nhưng không nhận được cổ tức. Ngân hàng Hợp tác xã rất khó khăn để thu hồi khoản tiền gửi có kỳ hạn 585 tỉ đồng tại Công ty cổ phiếu Tài chính Handico từ năm 2011.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, hầu hết các ngân hàng thương mại còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay, phân loại nợ chưa phù hợp, hay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác. Như VietinBank bị kiểm toán điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1, tăng nợ nhóm 2, nhóm 3 hàng trăm tỷ đồng. Dư nợ nhóm 1 và 4 tại Vietcombank cũng tăng.
Cơ quan kiểm toán cũng phải điều chỉnh tăng chi phí dự phòng của BIDV, VietinBank, Ocean Bank, GPBank...
Nhiều khoản vay của các ngân hàng có vốn Nhà nước đang tiềm ẩn rủi ro.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra một số khoản vay dư nợ cao tiềm ẩn rủi ro của các "ông lớn" ngân hàng. Chẳng hạn, nhóm khách hàng kinh doanh thẻ cào điện thoại vay vốn tại Vietcombank TP HCM từ năm 2011, 2012 quá hạn trả nợ từ năm 2014, dư nợ gốc đến 31/12/2016 là 251,7 tỷ đồng, lãi 85,7 tỷ đồng, sử dụng vốn sai mục đích, có dấu hiệu lừa đảo... Vietcombank đang đề nghị cơ quan an ninh điều tra xử lý.
Báo cáo ghi nhận khoản lãi cao năm 2016 của một số ngân hàng, tổ chức tài chính trong diện kiểm toán, song cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong quản lý tín dụng, cho vay tại các tổ chức này, nhất là tại ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng.
Như GPBank, sau gần 2 năm được mua lại, lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ. OceanBank lỗ thuần từ kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng); lỗ luỹ kế đến 31/12/2016 là 15.894 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ.
Riêng nợ xấu tại 3 nhà băng được mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank và Ngân hàng MTV Xây dựng Việt Nam (CB Bank) là 35.000 tỷ đồng, trong đó nhà băng có nợ xấu nhiều nhất là CBBank với 18.073 tỷ đồng (chiếm 95% dư nợ).
Việc thu hồi nợ xấu tại các ngân hàng này cũng khó khăn. GPBank năm 2016 thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt gần 15% kế hoạch. Tính toán của kiểm toán, ngân hàng này chỉ có khả năng thu hồi được 866 tỷ đồng, tương đương 31,53% tổng nợ xấu hiện có.
Với OceanBank tình hình cũng không khả quan hơn, khi tổng khoản nợ khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo gia tăng, song tốc độ thu nợ lại giảm dần khi 9 tháng đầu năm 2017 số nợ thu được là 757 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ so với cách đó 2 năm.
Hạn chế tiếp theo được nêu tại báo cáo là một số ngân hàng thương mại chưa xử lý dứt điểm các khoản nợ tồn đọng từ nhiều năm, như GPBank có 3.420 tỷ đồng phát sinh từ năm 2012, trong đó 2.982 tỷ đồng liên quan tới nguyên Chủ tịch Tạ Bá Long và Phó chủ tịch HĐQT Đoàn Văn An.
OceanBank cũng có nhiều khoản thu, tạm ứng, trong đó 331 tỷ đồng tạm ứng liên quan tới vụ án Hà Văn Thắm đang được các cơ quan tố tụng xét xử; 245 tỷ đồng tạm ứng thực hiện các dự án bất động sản đều đã quá hạn và rủi ro mất vốn lớn.
Anh Minh/Vnexpress