Xu hướng xuất khẩu mới của thị trường thế giới đòi hỏi thay đổi tương ứng từ các quốc gia cung ứng. Do đó, cùng với hỗ trợ DN đáp ứng các quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, ngành công thương đang triển khai nhiều giải pháp xuất khẩu bền vững đối với từng thị trường.
Dự báo thị trường kịp thời, chính xác
Chia sẻ thông tin điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc, Tham tán thương mại, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, trong chính sách nhập khẩu Trung Quốc mới ban hành, nước này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với những lô hàng thủy hải sản đông lạnh nếu phát hiện dịch Covid-19.
Vùng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh minh họa
Đáng lưu ý, nước bạn không kiểm tra với DN khi có hàng bị dính Covid-19 mà chỉ tập trung kiểm tra đầu nguồn. Quy định này có thể tạo đà cho thuỷ sản và trái cây Việt Nam sang Trung Quốc.
“Mặc dù Trung Quốc có tín hiệu nới lỏng điều kiện nhập khẩu hàng hóa nhưng thương vụ vẫn khuyến cáo DN sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đông lạnh cần tập trung quản lý an toàn thực phẩm từ đầu nguồn để tránh bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu” - ông Nông Đức Lai cho hay.
Liên quan tới xúc tiến thương mại sang thị trường Australia, Trưởng Cơ quan thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho biết, hiện tại, gạo, sầu riêng, mít đông lạnh, quả bơ, gừng đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị tại Australia và tiêu thụ tốt. Điều đó chứng tỏ nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường tiềm năng này.
Từ thực tế trên, thương vụ đã định hướng được thị trường, xác định được đường đi và cách tiếp cận, xây dựng thương hiệu cho nông sản đông lạnh Việt Nam. Bởi đối tác Australia đánh giá cao hàng hóa của Việt Nam cả về chất lượng và giá thành, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phú Hòa, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện vẫn bất ổn, giá thành vận chuyển cao nên các DN cần chủ động trong kinh doanh, kịp thời kiểm soát chuỗi cung ứng. Thời gian tới, thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình xúc tiến theo kế hoạch hành động đề ra, mở rộng dư địa xuất nhập khẩu cho các ngành hàng của Việt Nam, nhất là hàng nông sản.
Trong khi đó, đại diện thương vụ Việt Nam tại Ai Cập thông tin, mặc dù phía nước bạn hiện vẫn duy trì chính sách tăng xuất khẩu giảm nhập khẩu, song dần có các chính sách đơn giản hoá, minh bạch hoá quy định xuất khẩu sang đây. Ai Cập đã áp dụng thông quan điện tử từ tháng 10/2021. Theo đó hàng hoá phải được đăng ký trước 48 giờ trước khi xuất khẩu và hiện đã mở rộng áp dụng qua cả đường hàng không.
Công tác dự báo thị trường đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Ảnh minh họa
Thực hiện nhiều giải pháp phù hợp, khả thi
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới đòi hòi sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề và DN để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước. Từ đó, giúp các ngành, địa phương, DN xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Do vậy, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại nhằm đồng hành, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu cần được Bộ Công Thương tiếp tục chú trọng triển khai.
Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại, kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chất chiến lược; Đồng thời đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm quyền lợi của đất nước, của DN trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời hỗ trợ DN kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn. Đặc biệt hỗ trợ DN, địa phương trong nước xuất khẩu hiệu quả các loại nông sản có tính mùa vụ cao.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, DN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu phải chủ động điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội thị trường. Song song với đó, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, những yêu cầu của thị trường nhập khẩu và cam kết của hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cần đẩy mạnh đàm phán, gỡ bỏ rào cản, nút thắt thương mại, thúc đẩy mở cửa thị trường và xử lý kịp thời các biện pháp phòng vệ thương mại; đồng thời tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu, tạo cơ hội cho sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |