Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/4
VN-Index tiếp tục đà hồi phục trong các phiên sắp tới với mục tiêu quanh 1.250 điểm
Sau khi phục hồi lấy lại mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, VN-Index trong phiên giao dịch 25/4 chịu áp lực rung lắc điều chỉnh trở lại ở vùng hỗ trợ và dao động trong biên độ hẹp 1.200 điểm -1.211 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018. Kết phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,05%) về mức 1.204,97 điểm, duy trì trên mốc tâm lý 1.200 điểm. HNX-Index giảm 0,30 điểm (-0,13%) lên mức 227,57 điểm. Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực khi nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trở lại khi có 398 mã giảm giá (8 mã giảm sàn), 218 mã tăng giá (17 mã tăng trần) và 136 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết chỉ đạt 15.363,28 tỉ đồng, giảm khá mạnh 28,22% so với phiên trước, chỉ khoảng 60% mức trung bình cho thấy áp lực điều chỉnh khá thấp sau phiên phục hồi tốt, cũng như nhà đầu tư thận trọng hơn trong giao dịch trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày. Nhóm cổ phiếu công nghệ, viễn thông tiếp tục có diễn biến tích cực khi nhiều mã tăng giá tốt, thanh khoản gia tăng mạnh, tuy nhiên phân hóa mạnh hơn với FOX (+7,84%), VGI (+3,09%), FPT (+2,58%), VTP (+2,03%)... ngoài các cổ phiếu chịu áp lực điểu chỉnh CTR (-1,61%), CMG (-1,55%), VTK (-1,45%)... Các cổ phiếu bán lẻ iếp tục có diễn biến tích cực, thanh khoản gia tăng mạnh như MWG (+2,87%), MSN (+1,79%), FRT (+1,32%%)... ngoài PET (-0,83%), DGW (-0,68%)... điều chỉnh nhẹ, thanh khoản giảm khá mạnh, dưới mức trung bình.
Các mã ngân hàng cũng phân hóa mạnh, đa số biến động trong biên độ hẹp, thanh khoản giảm, dưới mức trung bình, đa số giảm điểm với OCB (-1,81%), TCB (-1,81%), MSB (-1,45%), MBB (-1,33%)... ABB (+2,63%), EIB (+1,70%), HDB (+0,45%), VCB (+0,44%).... Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước như CSI (-5,44%), VIG (-2,78%), VDS (-2,35%), BSI (-1,71%)... ngoài các mã tăng giá nhẹ như TVB (+2,48%), SHS (+0,54%)...
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), xét dưới góc nhìn ngắn hạn, kịch bản tích cực đã xảy và VN-Index dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục trong các phiên sắp tới với mục tiêu là quanh 1.250 điểm, kháng cự gần là quanh vùng 1.225 điểm, trong quá trình hồi phục sẽ có các nhịp rung lắc đan xen. Xác suất VN-Index bất ngờ giảm mạnh để test hỗ trợ 1.150 là không cao.
Về góc nhìn trung hạn, VN-Index đã trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm và đang trong nhịp tăng ngắn hạn của vận động Swing trong kênh tích lũy, xu hướng trung hạn vẫn là vận động tích lũy và quá trình tích lũy có thể kéo dài hơn bởi thị trường sẽ cần nhiều thời gian vận động chặt chẽ lại.
“Thị trường dự báo tiếp tục hồi phục nhưng sẽ có các nhịp rung lắc. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu lại danh mục, hạ tỷ trọng về mức an toàn. Nhà đầu tư trung - dài hạn có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong năm nay”, chuyên gia của SHS nhận định.
VN-Index vẫn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.200 – 1.225 điểm
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), phiên giao dịch 25/4 diễn ra sự dao động trong biên độ hẹp, thể hiện sự cân bằng giữa cung và cầu. So với phiên bùng nổ trước đó, đây được đánh giá là diễn biến tương đối lành mạnh.
“Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng với việc mua đuổi trong bối cảnh thị trường đang phân hóa rõ rệt, dẫn đến số lượng cơ hội đầu tư tiềm năng thu hẹp. Nhà đầu tư nên tạm dừng mua và có thể hiện thực hóa lợi nhuận ở mức 7-10%”, chuyên gia của ASEANSC lưu ý.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên hôm nay 26/4 và chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.200 – 1.225 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn nên đồ thị giá có thể sẽ còn biến động hẹp trong những phiên giao dịch tới với thanh khoản thấp. Điểm tích cực là rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục có dấu hiệu giảm dần cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật ngắn hạn.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.