Dòng tiền đang suy yếu
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 27/9 đến ngày 1/10, VN-Index giảm 16,28 điểm (-1,20%) xuống mốc 1.334,89 điểm. Thanh khoản giao dịch bình quân mỗi phiên chỉ còn đạt 18.850 tỷ (5.34 tỷ NDT) trên HSX, giảm 12,38% so với tuần trước. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index giảm 3,14 điểm (-0,87%%) xuống mốc 356,49 điểm.
Sắc đỏ áp đảo trong tuần qua với 12/20 nhóm ngành giảm điểm. Trong đó, mức giảm mạnh nhất là các cổ phiếu chứng khoán (-5,8%) dưới áp lực của dòng tiền chốt lời. Lo lắng về nợ xấu gia tăng và triển vọng Quý 3 kém khả quan cũng khiến nhóm ngân hàng giảm 4,5% trong tuần vừa qua. Ở chiều ngược lại, những nhóm ngành được cho là hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu như than và dầu khí (+6,3%) tăng ấn tượng trong tuần qua. Giá bán quay trở lại đà tăng khi giá đầu vào tăng (than và khí) khiến cho dòng tiền một lần nữa hoạt động sôi nổi trên nhóm phân bón (+4,5%). Nhìn chung, phần lớn đây là những dòng tiền đầu cơ nên có thể sẽ có sự biến động mạnh và thiếu tính ổn định.
Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), phiên giảm điểm cuối tuần qua chưa phải tín hiệu xác nhận VN-Index thoát khỏi xu hướng Sideway, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy khả năng điều chỉnh vẫn có xác suất tiếp diễn trong các phiên tới. Còn trên biểu đồ tuần, VN-Index đã đóng cửa dưới đường MA18 cho thấy xu hướng điều chỉnh đang có chiều hướng tăng lên.
“Ở thời điểm hiện tại, quan sát 6 phiên trở lại đây, chúng tôi nhận thấy dòng tiền đang suy yếu, vì vậy, động lực để bứt phá tăng điểm là chưa có. Do đó, nhà đầu tư nên đứng ngoài, hạn chế giải ngân, chờ thêm sự xác nhận tích cực của dòng tiền trước khi mở vị thế mua trở lại”, chuyên gia của CSI cho hay.
VN-Index giằng co và rung lắc với vùng kháng cự 1.340-1.345 điểm
Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng của VN-Index đã trở nên xấu hơn khi đánh mất ngưỡng 1.350 điểm và MA50 trong tuần qua. Hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là MA20 ngày có thể được retest trong tuần này.
“Trong tuần này 4/10-8/10, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với vùng kháng cự 1.340-1.345 điểm (MA50) và vùng hỗ trợ 1.330-1.335 điểm (MA20). Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đánh mất vùng hỗ trợ quanh MA20 thì chỉ số có thể hướng đến ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế cũng như khu vực đang có những biến động mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Mặc dù vậy, triển vọng trung-dài hạn của thị trường Việt Nam vẫn là tích cực trên cơ sở mức độ tăng trưởng kinh tế dần hồi phục theo lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách của Chính phủ và các công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được thực hiện tốt.
VCBS dự báo, xu hướng phân hóa trên thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục chiếm ưu thế khi những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý cuối cùng của năm 2021 và tiềm năng tăng trưởng trong năm tới sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền.
“Nhà đầu tư nên giải ngân có chọn lọc trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nên ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu mà tiềm năng tăng trưởng chưa phản ánh hoàn toàn vào giá, tránh mua đuổi cũng như lạm dụng đòn bẩy để hạn chế rủi ro trong trường hợp thị trường xuất hiện biến động mạnh”, chuyên gia của VCBS khuyến nghị./.