Theo NBC News, hôm 29/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các khoản thanh toán gửi trực tiếp có thể đổ vào tài khoản người dân bất kỳ lúc nào kể từ đêm hôm đó cho đến tuần tới.
Theo ông Mnuchin, những tờ chi phiếu giấy cũng đã được gửi qua đường bưu điện từ ngày 30/12, dành cho những người đủ tiêu chuẩn nhưng chưa đăng ký thông tin ngân hàng của họ với cơ quan chức năng.
Cô Brittany Williams, 39 tuổi, cho biết cô đã nhận tổng cộng 1.800 USD cho bản thân và hai cậu con trai 6 và 8 tuổi. “Có thêm chút ít như vậy cũng thực sự khiến tôi thấy dễ chịu. Kiểu như cho tôi một giây để thở vậy”, bà mẹ đơn thân cho biết.
Williams làm việc tại một công ty tiếp thị có trụ sở ở Colorado, nhưng cô đã chuyển đến Mukilteco, bang Washington, trong đại dịch để được gần bố mẹ hơn. Cô đã phải rút tiền kiệm để chi trả những chi phí cần thiết trong năm nay sau khi mất nhiều khách hàng vì ảnh hưởng của đại dịch.
“Số tiền chỉ giúp tôi có thêm vài món quà Giáng sinh để dưới gốc cây cho bọn trẻ, mà chúng tưởng năm nay sẽ không có vì mẹ đang khó khăn”, Williams cho biết.
Williams đã lấy một phần tiền cứu trợ để mua Lego, món đồ chơi mà các con trai cô rất yêu thích nhưng cả năm 2020 cô không thể mua vì quá kẹt tiền.
Khoản cứu trợ 600 USD là một phần của gói kích thích dịch COVID-19 trị giá 2,3 ngàn tỷ USD mà Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật hôm 27/12 sau nhiều ngày trì hoãn. Theo đạo luật này, có 1,4 ngàn tỷ USD sẽ tài trợ cho các cơ quan chính phủ và khoảng 900 tỷ USD cứu trợ trực tiếp người dân.
Chỉ một ngày sau, hôm 28/12, Hạ viện do đảng Dân chủ lãnh đạo đã thông qua dự luật đề xuất cấp chi phiếu 2.000 USD cho mỗi người dân Mỹ. Tuy nhiên dự luật đang đối mặt với trở ngại tại Thượng viện do đảng Cộng hoà lãnh đạo.
Hiện tại, mỗi cá nhân có thu nhập tới 75.000 USD trong năm 2019 sẽ nhận được 600 USD; những cặp vợ chồng đã kết hôn có thu nhập 150.000 USD/năm 2019 sẽ nhận được 1.200 USD. Ngoài ra, các gia đình sẽ nhận được thêm 600 USD cho mỗi người phụ thuộc dưới 18 tuổi.
Một số người Mỹ đang phải sử dụng tiền mặt được cấp để trả nợ thẻ tín dụng đã dày lên trong khi họ phải vật lộn để tìm việc làm.
Michelle Soto, 25 tuổi, cho biết cô là một trong những nạn nhân đầu tiên bị sa thải khi đại dịch tấn công ngành du lịch ở Philadelphia. Khi nhận được tấm séc cứu trợ hôm 31/12, cô đã lập tức thanh toán thẻ tín dụng.
Soto cho hay cô đã cạn kiệt tiền tiết kiệm từ những tháng đầu tiên của đại dịch. Cô cố gắng trả tiền thuê nhà và các khoản vay sinh viên trong thời gian thất nghiệp. Cuối cùng, Soto bị mất hợp đồng thuê nhà và trở thành người vô gia cư cho đến khi chuyển đến sống cùng mẹ ở Minnesota.
"Tôi đang cố gắng đảm bảo có thể giữ cho con mèo của mình sống sót, giữ cho bản thân sống sót và cố gắng không vỡ nợ, sau đó tìm cách nhận được bảo hiểm y tế trước khi bước sang tuổi 26”, Soto chia sẻ.
Đang khó khăn thì con mèo của cô lại phải phẫu thuật, và Soto đã phải trả phí bằng thẻ tín dụng. Các hoá đơn hàng tạp hoá, điện nước nhanh chóng khiến tài khoản ngân hàng của cô cạn kiệt. Soto sống sót nhờ khoảng 150 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, ít hơn so với lúc bắt đầu đại dịch, và cô chờ đợi số tiền này tăng lên nhờ dự luật cứu trợ mới.
Cả Williams và Soto, giống như nhiều người Mỹ khác, đều hy vọng Thượng viện sẽ thông qua khoản ngân phiếu 2.000 USD cho người dân.
“Rõ ràng là vô cảm khi họ nghĩ rằng số tiền 600 USD sẽ thay đổi được cuộc sống của bất kỳ ai. 600 USD là số tiền lớn với một đứa trẻ 12 tuổi, nhưng không là gì với một người lớn có bao trách nhiệm, các khoản nợ, hoá đơn, và những đứa con”, Soto than thở.