Nổi ám ảnh của dân khu Nam – Sài Gòn
Theo ghi nhận của phóng viên, các khu dân cư dọc đường Nguyễn Văn Linh huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè kéo dài lên đến tận đường Nguyễn Lương Bằng, khu Phú Mỹ Hưng Quận 7 trong vòng bán kính 10km đều xuất hiện mùi hôi thối như như mùi chuột chết, xú uế rất rất khó chịu. Nhất là mỗi khi trời vừa mưa xong hay cơn gió thổi qua.
Bức xúc và phải chịu đựng trước tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, người dân Nam Sài Gòn đã lập fanpage "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" để kết nối cộng đồng, cùng chung tay góp tiếng nói phản ánh mùi hôi quanh khu vực dân cư mình sinh sống.
Trên các trang facebook cá nhân, diễn đàn các nhóm dân cư nhiều người dân tại các khu dân cư như: Happy Vallay, Chateau, Riviera Point, Lacasa, Mỹ Thái 2, Cảnh Viên, Era Town, Bellaza... (quận 7); Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh An Tiến, Hoàng Anh Gia Lai, Silver Star - Hưng Phát... (Nhà Bè) cùng các khu dân cư Trung Sơn, hạnh Phúc ở Bình Chánh, Quận 8... đều cùng nhau lên tiếng phản đối mạnh mẽ về tình trạng mùi hôi thối này. Qua đó, cũng mong muốn chính quyền TP.HCM sớm có giải pháp để trả lại bầu không khí trong lành cho người dân nơi đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, anh Nguyễn Văn Hùng cư dân chung cư Hưng Phát (Nhà Bè) nói, cứ từ cuối tháng 5 cho đến hết năm, gió Tây Nam thổi thì mùi hôi thối từ hướng bãi rác Đa Phước bay khắp khu Nam khiến cư dân ở đây đảo lộn hết lên. Cứ có cơn gió thổi qua là mùi thối như chuột chết xộc vào mũi, thở cũng không dám thở nữa. Để giảm bớt mùi hôi, gia đình tôi nhiều lục phải đóng kín cửa và bật máy xông khử mùi nhưng cũng không ăn thua.
Những căn hộ có mặt tiền hướng nam chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bãi rác này. "Mùi hôi thối theo gió Tây Nam xộc vào từng căn hộ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, kèm theo đó là sinh hoạt và thậm chí việc buôn bán của những hộ dân gần đấy cũng rơi vào cảnh lao đao ế ẩm" chị Nguyễn Thị Hiệp nói.
Trên diễn đàn "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" cộng đồng cùng nhau than thở: Nghĩ cũng ngộ, các nhà quy hoạch "thích" chọn hướng đầu nguồn gió (cực mạnh và kéo dài 6 tháng trong năm) để đặt bãi rác, giống như đặt cục shit ngay trước mũi mình.
Bức xúc và phải chịu đựng trước tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, người dân Nam Sài Gòn đã lập fanpage "Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng" để kết nối cộng đồng, cùng chung tay góp tiếng nói phản ánh mùi hôi quanh khu vực dân cư mình sinh sống
Bạn Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, cả 3 công ty ở khu Đa phước đều góp phần đầu độc khu Nam. Ngày xưa ai khảo sát mà đem ngay cái nhà vệ sinh để đầu gió. Đêm qua em bức xúc quá gọi đến đường dây nóng đến ông Ngô Thành Đức - Phó giám đốc MBS thì nhận được câu trả lời là thành phố và công ty đều rất cố gắng, nhưng còn nhiều hạn chế kỹ thuật nên chưa có biện pháp khắc phục ngay được. Mới đầu mùa còn chưa được tới 2 cơn mưa mà đã thối nồng nàn như ở cạnh hố phân thế này thì không biết mấy tháng nữa vào mùa tình hình sẽ thế nào.
Cứ chuẩn bị mưa có gió là thúi rùm cả quận 7. Đoạn quốc lộ 50 cách bải rác đa phước của ông David Dương khoảng 3km thì thúi chịu không nổi luôn. Người dân sinh sống quanh khu này vì miếng cơm manh áo mà nín thở chịu đựng. Bà Trần Thị Ngọc (Quận 8) than thở.
Nhiều người bức xúc bày tỏ trên fanpage
Bữa giờ nắng nóng quá, mấy hôm nay Sài Gòn đón những cơn mưa lớn, tưởng là mát mẻ ngủ ngon rồi. Tui ở mé khu dân cư ven sông bên Phú Mỹ Hưng, lâu lâu mùi hôi thúi bay vô nhà, có đóng cửa mở máy lạnh cũng chịu không nổi. Dân cũng đóng tiền rác mà sao giờ để dân hứng mùi rác, hết biết nói gì lun. An Nguyễn (28 tuổi, Q.7) cho hay.
Bãi rác Đa Phước là nguyên nhân gây mùi hôi thối khiến không chỉ có ở cả khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8 và huyện Nhà Bè) mà hiện nay còn lan đến Quận 4 và Quận 1. Tháng 9/2016, thành phố cam kết cùng doanh nghiệp xử lý nhưng đã 4 năm qua mùi hôi nồng nặc vẫn tấn công người dân, gây bức xúc xã hội hiện nay.
Một sai lầm về quy hoạch?
Theo PGS.TS Lê Văn Khoa - trưởng bộ môn quản lý môi trường, khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cho rằng việc đầu tư khu xử lý rác gần khu đô thị là một sai lầm về quy hoạch.
Ông Khoa đề nghị cần xem lại khả năng xử lý rác của khu Đa Phước vì mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn xuất hiện sau khi khu xử lý rác này tăng khả năng tiếp nhận rác từ khu xử lý Phước Hiệp (H.Củ Chi).
"Nếu công suất tiếp nhận rác quá khả năng xử lý và quản lý không tốt thì việc phát sinh mùi hôi là chuyện dễ hiểu" - ông Khoa nhận định.
Đường vào bãi rác Đa Phước
Cũng theo ông Khoa, để giải quyết mùi hôi cần phải giảm lượng rác chôn lấp ở khu xử lý rác Đa Phước và công tác giám sát việc vận hành đúng quy trình kỹ thuật phải được thực hiện chặt chẽ hơn.
Còn TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường, cho rằng bản thân công nghệ chôn lấp, quá trình vận hành chôn lấp dễ phát sinh các khí metan, H2S, CO2... gây mùi hôi, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Giải pháp, theo ông Thuận, là phải dời bãi rác ra xa khu đô thị hoặc chuyển đổi sang công nghệ "đốt rác phát điện theo mô hình khép kín".
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, sẽ đầy công suất thiết kế và bị đóng cửa năm 2024.
Bãi rác lớn nhất thành phố đang xử lý khoảng 5.000 tấn rác mỗi ngày bằng công nghệ chôn lấp, do thành phố ký hợp đồng với Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Hiện, rác đã vượt độ cao quy chuẩn nên mùi hôi phát tán ra xung quanh vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa khô sang mùa mưa và khi thay đổi hướng gió.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở TN-MT có biện pháp "mạnh tay"; làm việc với các nhà máy buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động.
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nằm tại xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) trên diện tích 128 ha, tổng vốn đầu tư hơn 107 triệu USD. Giai đoạn 1 của dự án (tổng vốn hơn 32 triệu USD) được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2007. Hiện, MBS phối hợp UBND quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè thiết lập đường dây nóng tại các phường, xã để ghi nhận phản ánh của người dân. Hoặc, người dân có thể thông tin trực tiếp đến số 0903684844 của ông Ngô Thành Đức - Phó giám đốc MBS. |
Theo PHA LÊ/Báo dân sinh