Sức mua trên thị trường ôtô đang dần hồi phục sau thời gian dài giãn cách xã hội, một phần nhờ vào chính sách giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước đang gặp khó khăn vì thiếu hụt linh kiện, phụ tùng. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm chất bán dẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước lẫn khu vực.
Chẳng hạn, hãng VinFast chỉ mới bàn giao được 40 xe điện VF e34 cho khách hàng trong tháng 1. Nguyên nhân được hãng xe này đưa ra là do một số linh kiện nhập khẩu về Việt Nam chậm hơn so với kế hoạch. VinFast đang nỗ lực cùng với các đối tác giải quyết khó khăn về nguồn cung linh kiện để đẩy mạnh tốc độ bàn giao xe VF e34 cho khách hàng trong thời gian tới.
Ông Phạm Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Ford Việt Nam, hy vọng năm nay, sức tiêu thụ sẽ tốt hơn với điều kiện dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, doanh số ôtô tại Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng chưa thể phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Nguyên nhân đến từ việc hầu hết các quốc gia trong khu vực vẫn tiếp tục kiểm soát các hoạt động để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến sức mua. Chưa kể, các nhà sản xuất ôtô cũng gặp khó khăn do thiếu hụt phụ tùng, linh kiện.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1-2022, các DN lắp ráp sản xuất ôtô tại Việt Nam đã chi 395 triệu USD để nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô các loại, giảm 7,8% so với tháng 12-2021. Do hiện nay phần lớn linh kiện, phụ tùng cho các DN ôtô đều phải nhập khẩu nên tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành ôtô trong nước. Trong khi đó, ngành công nghiệp phụ trợ thời gian qua cũng có bước phát triển nhất định nhưng vẫn chưa như mong đợi.
Chẳng hạn, trong năm 2017, cả nước có 5 DN đạt được chứng chỉ để tham gia sản xuất linh kiện cho ngành ôtô, đến thời điểm này đã có 21 DN đạt chứng chỉ, thế nhưng mới đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu trong nước. Vì vậy, theo giới chuyên môn, để ngành ôtô trong nước phát triển bền vững, rất cần sự lớn mạnh của ngành công nghiệp phụ trợ.
Doanh nghiệp ôtô cần chủ động tìm giải pháp sản xuất linh kiện
Ông Nguyễn Trung Hiếu, đại diện hãng Toyota Việt Nam, cho hay để ứng phó với tình trạng thiếu hụt phụ tùng, linh kiện lắp ráp ôtô, DN phải chủ động nguồn cung linh kiện, tăng cường số lượng nhà cung ứng. "Nếu để các nhà cung ứng trong nước "tự bơi" để đạt được chứng chỉ sẽ rất lâu. Do đó, DN sản xuất ôtô cũng như nhà nước cần phải hỗ trợ để giúp họ nhanh chóng đạt được tiêu chuẩn mà ngành ôtô yêu cầu" - ông Hiếu cho hay.
Còn đại diện Hyundai Thành Công cho biết ngoài nguồn nhập khẩu, hãng đang phải chủ động tìm kiếm nguồn linh kiện từ các DN trong nước, kể cả mua công nghệ để nhanh chóng sản xuất linh kiện.
Theo đại diện VinFast, thiếu hụt nguồn linh kiện xảy ra trên toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Do đó, DN ôtô cần phải chủ động về giải pháp, trực tiếp ký hợp đồng với nhà cung ứng tốt, kể cả tìm kiếm thêm đối tác mới. Ngoài ra, DN ôtô cũng cần chia sẻ kế hoạch phát triển để đối tác chuẩn bị kế hoạch phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu kịp thời.
TS Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, cho biết hiện mỗi hãng ôtô chỉ có vài công ty đủ điều kiện cung cấp linh kiện. Trong khi cả nước chỉ có 20-30 DN sản xuất được linh kiện đạt tiêu chuẩn lắp ráp nhưng giá thành vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực từ 10%-20% do sản lượng thấp.
Chuyên gia về ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng để khuyến khích DN nước ngoài đầu tư sản xuất linh kiện, nhà nước cần phải đánh thuế cao đối với những loại linh kiện đơn giản, dễ sản xuất, đầu tư ít. Còn những linh kiện phức tạp thì nên miễn giảm thuế để hỗ trợ DN tạo ra sản phẩm có giá thành hợp lý. Ngoài ra, cần ưu đãi về thuê đất, thuế trong vòng 10 năm. "Linh kiện sản xuất ra có chất lượng cao, xuất khẩu được sẽ được miễn giảm thuế, còn hàng không đạt sẽ bị đánh thuế cao" - chuyên gia này nêu ý kiến.
Tương tự, các DN ôtô cũng kiến nghị nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời như: miễn giảm thuế nhập khẩu linh kiện, khuyến khích các nhà cung ứng linh kiện trong nước đạt được sản lượng đủ lớn để có được giá thành tốt. Song, để được như vậy, nhà nước cần đánh giá lại các chính sách thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt - còn quá cao, cần xem xét phù hợp để thúc đẩy ngành ôtô trong nước phát triển.
Nên giảm giá bán mạnh hơn
Theo chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng, để sức mua ôtô trong nước tốt hơn, cần phải giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách thuế. Cụ thể, nhà nước có thể miễn giảm, cắt bỏ một số loại thuế; đồng thời bổ sung những loại thuế khác sao cho công bằng đối với xe sử dụng nhiều và xe ít sử dụng. Với thuế tiêu thụ đặc biệt cũng vậy, đây là loại thuế đánh vào mặt hàng xa xỉ nên xem xét lại ôtô có phải mặt hàng đặc biệt hay không. "DN ôtô cũng cần điều chỉnh giá bán sao cho phù hợp, vì theo tôi biết DN đang lãi khá lớn trên mỗi chiếc xe bán ra trong khi người tiêu dùng phải mua xe với giá cao ngất ngưởng" - chuyên gia Nguyễn Minh Đồng cho hay.