8 năm từ khi Bitcoin ra đời, ngân hàng trung ương các nước đang ngày càng nhận ra nhiều tiềm năng cũng như mặt trái của tiền ảo nói chung. Hiện tại, họ có 2 vấn đề cần giải quyết. Một là nên làm gì trước sự phát triển của các loại tiền ảo do tư nhân tạo ra, như Bitcoin. Giá mỗi đồng giờ đã lên gần 10.000 USD. Vấn đề thứ hai là có nên đưa ra phiên bản tiền ảo chính thức của mình hay không.
Dưới đây là quan điểm của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
1. Mỹ
Một nhà hàng Nhật tại Mỹ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Ảnh: Reuters |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã điều tra về tiền ảo ngay từ những ngày đầu. Cơ quan này cũng chưa bao giờ hào hứng với việc phát hành tiền ảo riêng. Jerome Powell - thành viên Hội đồng thống đốc Fed, cũng là ứng cử viên chức Chủ tịch kế nhiệm bà Janet Yellen, đầu năm nay cho biết họ còn vướng mắc vấn đề kỹ thuật với công nghệ này. Bên cạnh đó, “quản trị rủi ro cũng là việc quan trọng”. Ông tiết lộ tiền ảo do ngân hàng trung ương phát hành có rất nhiều “thách thức đáng kể” và quyền riêng tư có thể là một vấn đề.
2. Khu vực đồng euro
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thường xuyên cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đầu tư tiền kỹ thuật số. Phó chủ tịch ECB - Vitor Constancio hồi tháng 9 tuyên bố Bitcoin không phải là tiền tệ, mà là “tulip” (ám chỉ bong bóng giá hoa tulip tại Hà Lan thế kỷ 17). Chủ tịch ECB - Mario Draghi thì khẳng định tác động của các loại tiền ảo tại khu vực đồng euro khá hạn chế và không đe dọa đến quyền lực của ECB.
3. Trung Quốc
Trung Quốc tuyên bố rất rõ ràng rằng Ngân hàng Trung ương toàn quyền kiểm soát các loại tiền ảo. Họ đã thành lập một nhóm nghiên cứu năm 2014 để phát triển tiền kỹ thuật số. Cơ quan này tin rằng “thời cơ đã chín muồi” để áp dụng công nghệ này. Dù vậy, họ lại kiềm chế các tiền ảo do tư nhân tạo ra, bằng cách cấm giao dịch Bitcoin và các tiền ảo khác tại các sàn giao dịch trong nước.
4. Nhật
Logo Bitcoin trên biển quảng cáo của một cửa hiệu tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Nhật Bản khá cởi mở với Bitcoin và đã thông qua luật công nhận Bitcoin là phương thức thanh toán. Hồi tháng 10, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Haruhiko Kuroda cho biết BOJ chưa có kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số. “Phát hành tiền điện tử của ngân hàng trung ương chẳng khác nào mở rộng quyền tiếp cận tài khoản ngân hàng trung ương cho tất cả mọi người”, ông cho biết. Tuy nhiên, họ khẳng định việc tăng cường nghiên cứu là rất quan trọng.
5. Đức
Tại quốc gia rất nhiều người dân vẫn còn thích tiền mặt, Ngân hàng Trung ương Đức đặc biệt lo ngại về sự trỗi dậy của Bitcoin và các tiền ảo khác. Thành viên hội đồng thống đốc - Carl-Ludwig Thiele từng cho rằng Bitcoin “giống một dạng đầu cơ hơn là công cụ thanh toán”. Chuyển đổi tiền gửi thành khối chuỗi sẽ phá vỡ mô hình kinh doanh của ngân hàng và đảo lộn chính sách tiền tệ, Thiele nhận định. Dù vậy, cơ quan này vẫn đang nghiên cứu ứng dụng của công nghệ này vào thanh toán.
6. Anh
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh - Mark Carney cho rằng tiền kỹ thuật số là “một cuộc cách mạng” đầy tiềm năng trong ngành tài chính. Năm ngoái, cơ quan này đã thành lập một nhóm hỗ trợ fintech. Ông Carney cho rằng công nghệ dựa trên khối chuỗi có tiềm năng lớn trong việc giúp các ngân hàng trung ương chống lại các cuộc tấn công mạng, đồng thời thay đổi cách thức thanh toán giữa các tổ chức và người tiêu dùng. Dù vậy, ông khẳng định BOE còn rất lâu mới tạo ra phiên bản số hóa của đồng bảng.
7. Pháp
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp - Francois Villeroy de Galhau hồi tháng 6 cho biết giới chức Pháp “rất cảnh giác với Bitoin, vì không có tổ chức công nào đằng sau đảm bảo cho nó. Trong lịch sử, tất cả loại tiền do tư nhân tạo ra đều không có kết cục tốt. Những người dùng Bitcoin đều đang mạo hiểm với chính mình”.
8. Ấn Độ
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phản đối tiền ảo, vì cho rằng nó có thể là kênh rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Dù vậy, họ cũng có một nhóm nghiên cứu liệu tiền ảo do Ngân hàng Trung ương hỗ trợ có thể sử dụng như tiền tệ hợp pháp hay không. Còn hiện tại, sử dụng tiền ảo tại quốc gia này là vi phạm luật quản lý ngoại hối.
9. Hàn Quốc
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đặt mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng và ngăn tiền ảo được sử dụng vào mục đích phạm tội. Phó thống đốc Shin Ho-soon tháng này cho biết họ cần nghiên cứu và theo dõi nhiều hơn.
10. Nga
Ngân hàng Trung ương Nga luôn lo ngại về rủi ro của tiền kỹ thuật số. Thống đốc Elvira Nabiullina từng cho biết “Chúng tôi không hợp pháp hóa các mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp” và “hoàn toàn phản đối tiền do tư nhân tạo ra, dù ở dạng thực hay ảo”. Phó thống đốc Sergey Shvetsov thì cho biết họ sẽ làm việc với các công tố để chặn các website cho phép nhà đầu tư cá nhân tiếp cận sàn bitcoin.
Hà Thu (theo Bloomberg)