Lợi nhuận khủng đến từ đâu?
Tính đến nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh cả năm. Ngoài Agribank và BIDV ghi nhận lợi nhuận sụt giảm nhẹ, còn đại đa số các ngân hàng đều báo cáo kết quả kinh doanh rực rỡ. Cao nhất trong toàn hệ thống vẫn là Vietcombank với mức lợi nhuận 23.000 tỷ đồng.
Kế tiếp là Techcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 15.800 tỷ, tăng 23,1% so với năm trước. VietinBank năm nay cũng cán đích với kết quả bất ngờ, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ lên tới 16.450 tỷ đồng (tăng hơn 40% so năm 2019). Bên cạnh tín dụng, yếu tố khiến VietinBank tăng sốc về lợi nhuận là thu nhập ngoài lãi tăng 35,2% so với năm 2019.
Các ngân hàng khác cũng ồ ạt báo lãi như: MSB có lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019. Tổng thu nhập ngoài lãi của NH tăng đến 42%/năm. TPBank lợi nhuận tăng 11% so với năm trước, thu nhập ngoài lãi tăng tích cực, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm. Ngoài ra, hàng loạt các NHTM cổ phần khác như LienVietPostBank, ABBank, ACB, Sacombank cũng tới tấp báo cáo doanh thu quý 4 vượt trội, khiến con số lợi nhuận gộp cả năm đều đẹp như mơ.
Lợi nhuận ngân hàng đến từ đâu? Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, lợi nhuận ngân hàng tăng có mấy lí do. Một phần là lãi suất đầu vào đã giảm đáng kể. Trong khi đó, lãi suất cho vay không giảm tương xứng, giúp biên lợi nhuận ngành cao hơn cả năm trước. Từ đầu năm 2020, NHNN cho phép các NHTM không chuyển nhóm nợ với phần dư nợ bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Điều này giúp ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều như thực tế. “Hai yếu tố trên cho thấy, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay không thể hiện đúng thực tế. Việc ngân hàng không chuyển nhóm nợ, trích lập dự phòng đúng như chất lượng dư nợ thực tế thì một phần trong lợi nhuận của họ là lợi nhuận ảo”, ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng thừa nhận nhờ quản trị tốt, mở rộng dịch vụ, nguồn thu, cho nên hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sức đề kháng tốt hơn các doanh nghiệp lĩnh vực khác, từ đó giúp ngành ngân hàng đứng vững trước dịch bệnh và vẫn có đà kinh doanh tốt.
Thưởng Tết thế nào?
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã chốt thưởng Tết cho nhân viên. Qua tìm hiểu tại một số ngân hàng cổ phần, lãnh đạo các nhà băng cho hay, sẽ chi tháng lương thứ 13 cho cán bộ nhân viên đi kèm thưởng doanh số nếu đơn vị nào làm ăn tốt. Nhưng đồng thời cũng có ngân hàng quyết định luôn mức thưởng Tết là 2 tháng lương, (cá biệt có nhà băng thưởng đến 3 tháng lương). Một lãnh đạo ngân hàng “bật mí”: “cùng là tháng lương nhưng kết quả thưởng phụ thuộc vào hiệu suất kinh doanh của từng bộ phận, nhân viên, hay chi nhánh, phòng giao dịch. Cho nên vẫn có người cao, kẻ thấp”.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, lợi nhuận năm 2020 chưa phản ánh đúng bức tranh hoạt động của các ngân hàng. Tác động của dịch COVID-19 đến hệ thống ngân hàng thường có độ trễ. Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng ngay khi dịch bùng phát thì ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng sau, khi khách hàng không thể thanh toán nợ. Ðây cũng là nguyên nhân trực tiếp phát sinh thêm nợ xấu trong hệ thống thời gian qua.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên tín dụng tại một chi nhánh ngân hàng cổ phần trên đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) cho biết, năm nay, do kinh doanh khó khăn, đặc biệt là hoạt động cho vay tăng chậm trước tác động của dịch COVID-19, khiến bản thân anh nói riêng và chi nhánh chỉ đạt chỉ tiêu kinh doanh đề ra, khó kỳ vọng mức thưởng cao như mọi năm.
Anh Hùng cho hay, trong đợt dịch vừa qua, ngân hàng nơi anh công tác không cắt giảm lương và các khoản phụ cấp của nhân viên, mà chỉ cắt giảm các chi phí khác.
“Hiện tại, tôi đã nhận được lương tháng 13, còn tiền thưởng Tết Nguyên đán 2021 vẫn đang đợi thông báo của ngân hàng, nhưng cũng không mong cao hơn Tết năm rồi (2 tháng thu nhập)”, anh Hùng nói.
Trong khi đó, chị Bách Hợp, nhân viên tín dụng một NHTM cổ phần khác thì kể, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm so với năm 2019. “Dù chưa có quyết định chính thức từ lãnh đạo ngân hàng, song dự báo năm nay ngân hàng nơi tôi làm việc chỉ thưởng tháng lương 13 và thưởng doanh số cho nhân viên nào vượt chỉ tiêu”, chị Hợp cho hay.
Dù lợi nhuận cao nhưng mới đây, một lãnh đạo VietinBank cho biết, mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 cho người lao động của ngân hàng này cũng chỉ khoảng 2 tháng lương. Và thực ra, cán bộ nhân viên được lấy nốt phần lương kinh doanh bị giữ lại cả năm.
Tiền phong
Nguồn:https://cafef.vn/ngan-hang-loi-nhuan-nhu-mo-thuong-tet-the-nao-20210201075440969.chn