Lo ngại việc "siết" tín dụng vào bất động sản, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng không khéo léo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các dự án đầu tư bất động sản.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng cần phải có cái nhìn rạch ròi về đầu tư bất động sản, không phải cứ đầu tư bất động sản là đầu cơ. Vị đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn về nguồn cung nếu siết quá chặt dòng vốn. Trong khi đó, ngành bất động sản kích thích tăng trưởng rất nhanh, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hiện nay việc đẩy mạnh cho thị trường này phát triển càng trở nên cần thiết.
Nhiều ý kiến lo ngại về việc siết tín dụng bất động sản
Theo ông Cường, nguồn cung bất động sản càng khan hiếm, giá cả càng tăng, người dân có nhu cầu ở thực càng khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Trong khi việc thúc đẩy, tạo điều kiện người dân sở hữu nhà ở là mục tiêu quan trọng đảm bảo an sinh xã hội.
Nhấn mạnh nguồn cung khan hiếm thì giá cao, ông Cường cho rằng muốn điều chỉnh giá thì phải tăng nguồn cung. Để thực hiện tăng nguồn cung bất động sản, thì việc tiếp cận vốn rất quan trọng.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhìn nhận thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản có thể dẫn đến các hệ lụy như thị trường sẽ đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó có thể mua được nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của Nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Trên thực tế, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng không nên “siết” chung mà cần “nắn” dòng vốn trong lĩnh vực bất động sản để sử dụng đúng mục đích. "Nếu doanh nghiệp bất động sản có hoạt động đầu tư, biến một mảnh đất trống thành khu vực có hạ tầng, có công trình, phát triển thành các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, mang lại giá trị cho xã hội, tạo ra sự giàu mạnh cho đất nước, cần phải được khuyến khích"- ông Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, lĩnh vực bất động sản có rủi ro là dễ mất vốn. Để ngăn ngừa, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ"- Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.
Về việc kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo Phó Thủ tướng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ trong thời gian qua.
Về lo ngại "siết" tín dụng vào bất động sản được một số đại biểu nêu, Phó thủ tướng nhấn mạnh, phải rà soát lại việc cho vay vừa qua có đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hay chưa. "Nếu trước đây làm chưa đúng thì phải rà soát, điều chỉnh lại cho đúng, còn nếu làm đúng rồi thì tiếp tục cho vay. Với dự án, chương trình hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cấp vốn, đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế"- Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.