Tuy nhiên, hoạt động này cũng đang nảy sinh nhiều bất cập và thách thức. Nhằm giúp các doanh nghiệp nhận diện rõ cơ hội, thách thức của hoạt động này trong bối cảnh kinh tế mới, sáng nay, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi tăng trưởng”.
Việt Nam được đánh giá có thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất khu vực với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 25%/ năm. Thương mại điện tử chính là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số khi ngày càng khẳng định tính hữu dụng với đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt, trong thời gian trải qua đại dịch Covid 19. TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khẳng định hiệu quả những chủ trương, chính sách cho phát triển thương mại điện tử thời gian qua.
“Từ năm 2005 đến nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm phát triển thương mại điện tử. Tại Quyết định số 645 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 5 năm 2020 về kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 21-2025, Chính phủ đã xác định một số mục tiêu. Thứ nhất, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Thứ hai, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử. Thứ ba, xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước, thông qua thương mại điện tử và đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới” - TS. Trần Thị Hồng Minh nói.
Các chuyên gia đã thảo luận, chỉ rõ những thách thức, cơ hội góp phần phát triển thương mại điện tử lành mạnh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng chung. Ông Nguyễn Thanh Hưng – Cố vấn Hiệp hội Thương mại điện tử Việt nam khẳng định, thương mại điện tử muốn phát triển tốt cần quan tâm 3 trụ cột: Mua - bán hàng hóa, logistics và thanh toán điện tử. Ở trụ cột thứ nhất, vấn đề mua-bán đã dần trở nên phổ biến nhưng niềm tin của người tiêu dùng chưa cao khi hàng hóa giao thương trên môi trường này đa số vẫn chỉ ở mức giá thấp; nhiều vấn đề hàng gian-hàng giả-hàng kém chất lượng còn tồn tại, là một phần nguyên nhân.
Với trụ cột logistics, giá cả khâu vận chuyển luôn cao là bài toán nan giải với doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng số. Thanh toán hóa đơn điện tử lẽ ra là khâu tiện dụng nhất thì gần 90% người dùng vẫn chưa tận dụng khâu chuyển đổi này… Các doanh nghiệp thương mại điện tử đang nỗ lực rất nhiều để có thể hóa giải những bất cập, khó khăn, thách thức vừa nêu, để phát triển được và đóng góp vào tăng trưởng chung, nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý khi các hoạt động thu thuế hay quản lý Sàn còn chưa phù hợp thực tiễn.
Đồng thuận quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Hiệp hội Phấn mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam cho rằng: “Khó khăn lớn nhất, tổng hợp lại là vấn đề nhận thức. Nếu không có thương mại điện tử thì không có kinh tế số, nên Đảng, Nhà nước quyết tâm phát triển kinh tế số thì phải nuôi dưỡng, xây dựng thương mại điện tử chứ không phải để các doanh nghiệp tự bơi. Không phải việc thương mại điện tử đóng góp bao nhiêu % GDP mà nó sẽ thay đổi tính chất nền kinh tế”.
Các chuyên gia cho rằng, cơ sở pháp lý cho Thương mại điện tử đã khá nhiều nhưng chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, thiếu tính đồng bộ giữa các cơ quan quản lý với nhau, đặc biệt là chưa khuyến khích thúc đẩy sự phát triển của hoạt động số này.
Muốn thương mại điện tử thực sự là giải pháp cho bài toán phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cần mở lối rộng hơn nữa cho hoạt động này. Đó không chỉ là vấn đề nhận thức của người tiêu dùng số, doanh nghiệp số, đó phải là nỗ lực của cơ quan chức năng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về Thương mại điện tử./.