Nảy sinh bất cập
Ngày 26/10/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có văn bản hỏa tốc số 7792/TCĐBVN-TC đề nghị nhà đầu tư/DN dự án, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xem xét, chỉ đạo các trạm thu phí miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung khi qua trạm thu phí. Toàn bộ sự việc tạm dừng thu phí, miễn phí cho các phương tiện chở hàng cứu trợ phải được lập biên bản, ghi nhận và lưu trữ hồ sơ, dữ liệu thu phí đầy đủ và đúng quy định.
Những đoàn xe chở hàng cứu trợ nối đuôi nhau vào ''tiếp sức'' cho miền Trung. Ảnh: Hòa Thắng |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính sách đúng đắn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bị “hành chính hóa” thông qua những đòi hỏi khó thực hiện mà các trạm thu phí đưa ra. Phản ánh với phóng viên Kinh tế & Đô thị, anh Trần Văn Tâm (trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), một người đi đưa hàng cứu trợ miền Trung cho biết, khi đi qua trạm thu phí Cao Bồ (thuộc cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thì bị nhân viên trạm BOT yêu cầu phải đưa ra được giấy tờ chứng minh công tác từ thiện mình là có thật, đó là bản kế hoạch hoặc quyết định có đóng dấu đỏ xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Yêu cầu này vô tình đang làm khó không ít đoàn cứu trợ vốn là những cá nhân hoặc nhóm người tự phát, thực hiện từ thiện độc lập không qua cơ quan, tổ chức nào.
“Chúng tôi đi cứu trợ đồng bào bão lụt ở miền Trung với tư cách cá nhân thì lấy đâu ra giấy tờ có dấu đỏ xác nhận như yêu cầu của nhân viên các trạm BOT? Đã đi làm từ thiện thì dù là cơ quan Nhà nước hay cá nhân đều cùng vì mục đích lá lành đùm lá rách. Không lẽ, cơ quan Nhà nước đi làm từ thiện thì được miễn phí vé còn cá nhân lại không được?” – anh Tâm bức xúc. Theo anh Tâm, việc kiểm tra hàng hóa trên các xe chở hàng đi cứu trợ miền Trung là cần thiết để tránh những trường hợp lợi dụng chủ trương này để trục lợi (được miễn phí vé qua trạm) hoặc tìm cách gây rối tại các trạm thu phí. Tuy nhiên, yêu cầu về giấy tờ có dấu đỏ là phi lý và rất khó thực hiện đối với nhiều người. “Yêu cầu này chẳng khác nào đánh đố những cá nhân đi làm từ thiện như chúng tôi. Chúng tôi có cảm giác mình bị phân biệt đối xử dù mục đích làm từ thiện của tất cả đều cao đẹp như nhau” – anh Tâm phân trần.
VEC tự đặt ra yêu cầu về giấy tờ có dấu đỏ?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Nhi – Phó Tổng Giám đốc VEC cho biết, văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ nói một cách chung chung là nhà đầu tư/DN dự án và VEC “xem xét” việc miễn phí cho các phương tiện đi cứu trợ miền Trung nên nhân viên tại các trạm thu phí của VEC mới phải “xem xét đủ điều kiện thì mới cho qua, còn không đủ điều kiện thì không cho qua”. Bởi, theo lý giải của ông Nhi, “nếu cho qua thì hôm sau anh em phải bỏ tiền túi ra đền”.
Phó Tổng Giám đốc VEC cho biết, thống kê tính đến ngày 31/10, VEC miễn phí giá vé cho hơn 5.600 trường hợp phương tiện chở hàng đi cứu trợ miền Trung với số tiền 1,18 tỷ đồng. “Đây là chỉ tính những xe đã được lập biên bản và cho đi, còn nhiều trường hợp xe chống chế không chịu nộp tiền mua vé thì anh em trạm thu phí phải bỏ tiền túi ra mua vé cho họ” – ông Nhi nói.
Lý giải cho việc đưa ra yêu cầu những trường hợp đi cứu trợ miền Trung phải có giấy tờ có dấu đỏ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì mới được miễn phí giá vé qua trạm thu phí, ông Nhi cho rằng, đây là cách làm nhằm xác định một cách chính xác trường hợp nào đi cứu trợ thật, trường hợp nào giả mạo xe cứu trợ để được miễn phí giá vé hoặc gây rối. “Có nhiều đối tượng lợi dụng treo cái băng rôn xe cứu trợ miền Trung, sau đó cố tình đậu xe ở trạm thu phí để gây rối. Sau khi anh em giải thích, họ lấy một đống tiền lẻ ra để trả tiền mua vé” – ông Nhi cho hay.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong Văn bản số 7792/TCĐBVN-TC của Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tới các nhà đầu tư/DN dự án và VEC không hề có bất cứ nội dung nào nói về việc các phương tiện chở hàng cứu trợ miền Trung phải có giấy tờ có dấu đỏ xác nhận từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì mới được miễn phí giá vé qua trạm thu phí.
"Với những trường hợp người đi cứu trợ là cá nhân tự phát, nếu cứ bắt họ phải có dấu đỏ thì biết xin dấu đỏ của ai? Tôi đề nghị nên nghiên cứu lại các giải pháp để làm sao không hạn chế việc đi lại của các nhóm đi cứu trợ. Vấn đề quan trọng nhất là họ chứng minh được việc đi cứu trợ là có thật và hàng hóa chở trên xe là hàng mang đi cứu trợ. " - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - PGS.TS Bùi Thị An |