Cây mướp sát |
Đặc điểm của cây mướp sát
Cây Mướp sát có tên khoa học là Cerbera manghas L., thuộc họ Trúc đào. Cây nhỡ hay to, cao chừng 4 – 6m. Cành cây thô to, vỏ xù xì, có gỗ mềm. Toàn thân có nhựa mủ trắng.
Lá mọc so le, thường tập trung ở đầu cành, hình thuôn dài. Chiều dài lá chừng 20 – 30cm, chiều rộng 2 – 4cm, mặt trên bóng.
Hoa màu trắng, rất thơm. Quả ra thành từng cặp, hình bầu dục nhọn, màu đỏ, to như quả trứng gà. Cây ra hoa tháng 3 – 5, có quả tháng 6 – 8.
Mướp sát thường mọc hoang ở vùng ẩm thấp, bờ biển như miền Trung, miền Nam nước ta. Ngoài ra, cây còn phân bố ở Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Úc… Cây còn được trồng ven đường, vườn hoa lấy bóng mát, làm cảnh và trồng ở bờ biển để chắn sóng.
Thành phần hóa học của cây mướp sát
Cây mướp sát chỉ sử dụng được hạt, thu hái khi quả chín. Sau đó hạt được đem đi phơi khô, đập vỡ hạt lấy nhân ép dầu. Hạt rất độc và không được dùng khi chưa qua điều chế.
Thành phần hóa học của cây mướp sát rất dồi dào. Nhiều nhất có trong hạt cây với những thành phần chính chứa glucosid như: Cerberin, cerberosid, neriifolin, thevetin. Bao phủ cây mướp sát là một chất nhựa màu trắng, khi gặp axit sẽ cho màu xanh lục. Nhựa của cây mướp sát có 22% cao su kết hợp với những chất khác nhưng thành phần không chứa xecberin (cerberin).
Lá và hoa mướp sát |
Hạt cây mướp sát có chứa 53-57% tinh dầu. Dầu hạt cây mướp sát có màu trong, không khô, khi đốt sẽ cháy sáng và có mùi gần như mùi hạt dẻ. Trong thành phần của hạt cây mướp sát có glucoit – một tinh thể không màu gọi là xecberin.
Theo nhà nghiên cứu E. Perrot, chất này đã được xác định công thức thô là nhưng lại là một thứ bột không có tinh thể, màu vàng, tan trong nuớc, độ chảy l91-1920C.
Tỷ lệ xecberin trong hạt là 0,08%-0,16%. Ngoài ra xecberin không giống tevetin (thevetin) có trong hạt thống thiên (Thevetia neriifolia). Trong quá trình thực hiện thủy phân bằng axit loãng, ta sẽ được xecberetin (cerberetin), C19H2404 màu vàng (theo Hamon và Oudemans).
Ngoài xecberin, Schen và Steldt (1942), hạt của cây mướp sát còn chứa gốc glucozit nữa gọi là xecberozit (ccrberosid). Những chất này đều có những giá trị nhất định trong y học và được nghiên cứu điều chế thuốc điều trị bệnh tim mạch và huyết áp.
Tác dụng dược lý
Cây mướp sát có nhựa mủ. Một số nghiên cứu cho rằng nhựa mủ của cây hơi độc, nhưng một số nghiên cứu khác lại cho là không độc. Ngoài ra nhựa mủ có tác dụng tẩy mạnh.
Hạt của cây mướp sát rất độc do chất glucozit xecberìn. Trong đó Xecberin với liều vừa có tác dụng bổ tim, liều quá độc sẽ gây suy tim. Dầu hạt cây bản tính không độc, nhưng do những tạp chất kèm theo nên độc.
Một vài tỉnh thành tại Việt Nam có thể trồng được loại cây này |
Công dụng của cây mướp sát
Hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu ghi nhận về công dụng của cây mướp sát. Loài cây này ít được dùng làm thuốc ở Việt Nam. Thường người ta chỉ dùng để đầu độc và được liệt kê vào nhóm gây độc có thể gây tử cong. Nhưng ở các nước khác như Trung Quốc hay Ấn Độ, người ta dùng nhiều bộ phận của cây mướp sát.
Một số thông tin cho rằng cây có tác dụng chữa ghẻ, ngứa, trừ chấy, chữa bệnh suy tim. Ngoài ra còn dùng để làm thuốc tẩy, làm dầu thắp đèn. Cây mướp sát được sử dụng duốc cá tại Philipin và Tan Calêđôni (dùng dầu hạt).
Phần vỏ của cây mướp sát dùng làm thuốc tẩy. Có nơi dùng lá. Người dân Miến Điện dùng dầu mướp sát làm dầu thắp đèn, bôi lên da chữa ngứa hoặc bôi lên tóc trừ chấy.
Cây mướp sát có thành phần hóa học đa dạng, trong đó có những chất giúp điều trị bệnh tim mạch |
Cẩn thận với độc tính của cây mướp sát
Mặc dù cây mướp sát có thành phần hóa học giá trị về mặt y học nhưng đây lại là loại cây cực độc trong tự nhiên. Người dân không nên sử dụng mướp sát trong bất kỳ mục đích chữa bệnh nào. Mướp sát là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc phổ biến khi người ta vô tình ăn phải loại quả của cây này.
Thành phần hóa học của cây mướp sát khiến cho tim đập không đều, sau khi ăn nạn nhân có thể bị trụy tim, dẫn đến tử vong chỉ trong thời gian ngắn. Trên thế giới, cây mướp sát còn được cho là nguyên nhân của hàng ngàn vụ tự tử, hầu như không thể tìm thấy dấu vết của các hợp chất kịch độc khi khám nghiệm tử thi.
Những dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn nhầm quả mướp sát gồm có: triệu chứng nôn mửa dữ dội, sau đó mệt lả, nhức đầu, chóng mặt và đau bụng. Nạn nhân không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Nguyên nhân do tim mạch, không đo được huyết áp, rơi vào hôn mê sâu và ngưng tuần hoàn.
Những công dụng của cây mướp sát cho đến nay chỉ mới được ứng dụng trong nghiên cứu điều chế thuốc. Bài viết chia sẻ thông tin nhằm mục đích tham khảo, chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế điều trị chuyên khoa.