Khi nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh, việc thanh toán bằng tiền mặt không còn đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu thanh toán của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, một hình thức thanh toán mới thuận tiện hơn, an toàn hơn được ứng dụng, đó là thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Hoạt động TTKDTM trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại (NHTM), các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán.
Hiện nay, đã có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán trực tuyến qua điện thoại di động. Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%. Tại Việt Nam, theo ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc chia sẻ, với 1 nền tảng hạ tầng viễn thông của Việt Nam được đánh giá là tốt trong khu vực và thế giới với việc phổ cập 4G của các nhà mạng, Internet cáp quang đến mọi vùng miền của đất nước, với hơn 100 triệu thuê bao di động và đặc biệt người dùng điện thoại smartphone khoảng 45 triệu người và được tăng liên tục hàng năm. Đây là điều kiện tốt để xu hướng thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online tại Việt Nam bùng nổ với tốc độ nhanh chóng.
Năm 2020 vừa qua, nền kinh tế đã bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, thanh toán điện tử đã tận dụng “nghịch cảnh” để đẩy mạnh phát triển. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước –NHNN) cho biết, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy hoạt động TTKDTM với nhiều hình thức ưu đãi, tạo thuận lợi và khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các dịch vụ TTKDTM.
Tính đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019). Ông Nguyễn Bá Diệp – phó chủ tịch ví điện tử Momo cho biết, thị trường hiện nay đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. "Điều này nhờ vào các chính sách quyết liệt nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác, ngân hàng đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng", ông Diệp chia sẻ.
Đối với các lợi ích của việc sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến, ông Vương Đình Huệ, phó thủ tướng Việt Nam chia sẻ “Lợi ích của thanh toán không tiền mặt đã quá rõ, giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện”.
Những ngày gần đây, đợt bùng dịch Covid tại các tỉnh phía Bắc đã phần nào giảm đi sự náo nhiệt của Tết cổ truyền. Khá nhiều gia đình phải chịu cảnh đón năm mới mà thiếu đi những thành viên đang đi làm ăn xa hoặc sinh viên tập trung học tập tại các thành phố lớn. Các hoạt động mua sắm, ăn chơi cũng hạn chế nhằm giảm thiểu sự lây lan và giúp chúng ta kiểm soát dịch tốt hơn. Tuy nhiên, với người dân Việt, lì xì hay mừng tuổi là phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Với những thay đổi, cập nhật theo xu hướng mới của thời đại thanh toán và sử dụng nền tảng trực tuyến, cùng sự an toàn, thuận lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự đoán hình thức lì xì online sẽ tạo nên xu thế mới, đảm bảo tính sáng tạo, tiện lợi, nhanh chóng mọi lúc mọi nơi mà vẫn góp phần gắn kết mọi người đặc biệt trong thời gian toàn xã hội bị ảnh hưởng từ Covid.
Đợt bùng dịch Covid tại các tỉnh phía Bắc đã phần nào giảm đi sự náo nhiệt của Tết cổ truyền - Quang cảnh sân bay Nội bài vắng vẻ những ngày giáp Tết
Tính năng này là một cơ hội tuyệt vời để tăng nhận diện cho các ngân hàng số và ví điện tử, cũng là một giải pháp hiệu quả để khuyến khích người dùng cài đặt và sử dụng các phương thức thanh toán di động hiện đại.
Ông Bùi Hải An – Giám đốc vận hành Ngân hàng số Timo chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng nhân dịp Tết này, chương trình Lì xì đi – Timo đi sẽ thay thế hình thức truyền thống để vừa đảm bảo an toàn và vẫn mang tới cái Tết trọn vẹn cho mọi người. Thao tác được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, cùng với các giao diện thiết kế bao lì xì đi kèm đa dạng, những câu chúc ý nghĩa, hình ảnh vui nhộn, âm nhạc mang đậm chất Tết truyền thống sẽ mang tới trải nghiệm mới mẻ và thích thú. Lì xì online cũng sẽ giúp khách hàng dần quen với thói quen không sử dụng tiền mặt trong các hoạt động mua sắm hàng ngày, và sẽ được giới trẻ đón nhận rộng rãi nhờ vào tính năng động, trẻ trung và mang tính hiện đại.”
Chương trình “Lì xì đi – Timo đi” của ngân hàng số Timo được các bạn trẻ hào hứng chào đón
Giao diện thiết kế bao lì xì online đa dạng, đi kèm những câu chúc ý nghĩa, hình ảnh vui nhộn, và vẫn mang đậm chất Tết truyền thống.
Việc sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến phần nào đã là một thói quen mới được hình thành và dần có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, sau dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng mới đã được tạo ra, xu hướng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới vì hàng loạt lợi ích như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại mà lợi hơn do được hưởng các khuyến mãi, ưu đãi từ ngân hàng, ví điện tử.
Nhật Thanh