Chiều 27/9, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết vừa phối hợp thực hiện 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho một bệnh nhân ung thư hạch, đó là phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài với phác đồ điều trị hóa diệt tủy bằng phương pháp xạ trị toàn thân (TBI). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có bệnh viện ứng dụng cùng lúc 2 kỹ thuật cao này.
Trước đó, ngày 6/7/2022, khoa Huyết học - Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nữ bệnh nhân N. H. O (46 tuổi, ngụ Bình Dương) với chẩn đoán ung thư hạch vỏ nang tái phát.
Bệnh nhân cho biết, đã phát hiện hạch ở vùng cổ, đi khám ở một cơ sở y tế cho kết quả chẩn đoán là ung thư hạch. Bệnh nhân được điều trị đầu tiên bằng phương pháp hóa trị đơn thuần.
Sau 4 năm, bệnh nhân bị tái phát 2 lần và được hóa trị, bệnh vẫn đáp ứng. Năm 2021, bệnh nhân bị tái phát lần 3, lúc này liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá đây là trường hợp ung thư hạch tái phát và kháng trị. Êkip điều trị quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh, đó là ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI).
Theo ekip điều trị, nếu muốn xử lý triệt để các tế bào ung thư, trước tiên, bệnh nhân cần được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được chữa khỏi ổn định.
Nữ bệnh nhân được áp dụng phác đồ điều trị với 3 ngày liên tục xạ trị toàn thân, mỗi ngày 2 lần. Sau điều trị, bệnh nhân được theo dõi và triển khai ghép tế bào gốc đồng loài. Sau 30 ngày, bệnh nhân được đánh giá là ghép thành công, 45 ngày sau ghép thì được xuất viện. Hiện nay, sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, sở dĩ phải xạ trị toàn thân vì đặc điểm ung thư hạch, các tế bào ung thư len lỏi các mạch máu, thậm chí ở những vị trí như tinh hoàn, tế bào ung thư trốn khó tìm thấy. Do đó buộc phải xạ trị toàn thân giúp tiêu diệt tế bào ung thư triệt để.
“Hôm nay chúng ta có ca thành công là do chúng ta đã tính toán một cách rất cẩn thận, khống chế tối đa. Đây là cái giải pháp mà chúng ta không loại trừ thành công của huyết học. Huyết học chiếm phần rất là lớn, các anh chị đã chuẩn bị bệnh nhân rất tốt rồi đã hóa trị đạt yêu cầu. Chúng tôi cũng nghĩ rằng làm một cái kỹ thuật mới không có dễ. Chúng ta cần phải học hành một cách nghiêm túc, phối hợp với các chuyên khoa bạn”, TS.BS Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Theo các bác sĩ, thông thường một ca ghép tế bào gốc đồng loài dao động từ 200 - 400 triệu đồng. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân chỉ hết tổng chi phí là 270 triệu đồng, trong đó bảo hiểm thanh toán 170 triệu, bệnh nhân chỉ chi trả khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, áp dụng phương pháp TBI ít biến chứng, thời gian nằm viện chỉ 1,5 tháng, trước đây thông thường phải mất 2-3 tháng.
TS.BS.CKII Nguyễn Tri Thức – Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, với vai trò tiên phong phối hợp đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị thành công cho bệnh nhân bị ung thư hạch, Bệnh viện Chợ Rẫy đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư. Bệnh viện mong muốn trong tương lai sẽ có sự kết hợp với các bệnh viện huyết học để tăng cường hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân bệnh ung thư máu, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.