Các loại thực phẩm có nhiều đường như chè, kem, bánh kẹo, nước ngọt… luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với nhiều người. Thậm chí, có người, sau bữa ăn chính, còn phải tráng miệng bằng đồ ăn ngọt mới thực sự cảm thấy trọn vẹn. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đường là một nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, nếu chúng ta thường xuyên ăn nhiều đường hoặc đồ ngọt sẽ càng kích thích cơn thèm đồ ngọt và dẫn đến chứng nghiện đường. Cảm giác thèm nhớ đồ ngọt không chỉ là thói quen mà còn liên quan đến những phản ứng chuyển hóa trong cơ thể.
“Đường vốn dĩ là các carbohydrate đơn giản, khi vào cơ thể chúng sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành glucose trong máu. Thông thường, cơ thể sẽ cần đưa glucose ra khỏi máu và đi vào các tế bào để nạp năng lượng. Để thực hiện được điều này, cơ quan tuyến tụy sẽ sản xuất ra hormone insulin. Khi đó, lượng đường huyết có thể bị giảm xuống đột ngột. Sự thay đổi nhanh chóng về lượng đường trong máu này khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, run rẩy, choáng váng và cố gắng tìm nạp thêm đồ ngọt để làm tăng lượng đường huyết” – BS Trương Hồng Sơn giải thích.
BS Trương Hồng Sơn cho biết thêm, người nghiện đường thường ở trong tình trạng cực kỳ thèm ăn các loại thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên, bánh mỳ hoặc đồ ăn thức uống có vị ngọt, đặc biệt là ngọt đậm như nước ngọt, kẹo bánh, chè, kem…Khi không được cung cấp đường thì cơ thể thường có cảm giác mệt mỏi, uể oải và thèm ngọt. Đặc biệt là sau khi ăn bữa chính vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, cần bổ sung một chút đồ ngọt. Nếu ngưng hoặc giảm lượng đường cung cấp cho cơ thể một cách đột ngột, người nghiện đường có thể cảm thấy buồn rầu, đau đầu, giảm sự tập trung, chú ý.
BS Trương Hồng Sơn lưu ý, không chỉ các loại bánh kẹo, chè, kem, nước ngọt…mà việc bạn ăn quá nhiều tinh bột như bánh mỳ trắng, khoai tây chiên… cũng có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao, tương tự như khi bạn nạp nhiều đường vào cơ thể.
Việc tiêu thụ đường quá nhiều sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ bệnh tật như béo phì, đái tháo đường. Đường huyết quá cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy thận, mù lòa…Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi cơ thể hấp thu đường quá nhiều thì đường sẽ được chuyển hóa thành mỡ, gây ra các biến chứng như viêm, xơ hóa, nhồi máu…và tăng nguy cơ gây ung thư.
Để hạn chế việc tiêu thụ đường mỗi ngày, bạn nên giảm lượng đường tự do trong chế độ ăn hàng ngày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năng lượng từ đường chỉ nên chiếm dưới 10% tổng năng lượng từ các loại thực phẩm. Tuy nhiên theo BS Trương Hồng Sơn, bạn nên giảm xuống mức dưới 5%, tức là mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 20 gram đường, tương đương với 5 thìa cà phê.
Bạn cũng nên sử dụng các loại nước, lọc nước đóng chai hoặc trà không đường thay cho các loại nước ngọt, ưu tiên những đồ uống từ các loại sữa ít béo hoặc sữa không béo, không đường. Nếu sử dụng nước ép trái cây thì nên chọn những trái cây ít đường. Với những người có thói quen cho đường, sữa đặc vào trà, cà phê thì nên giảm dần lượng đường, sữa. Người nội trợ cũng nên hạn chế việc cho đường vào các món ăn. Đặc biệt, bạn nên đọc nhãn sản phẩm để lựa chọn những sản phẩm chứa ít đường tự do sẽ có lợi cho sức khỏe. – BS Trương Hồng Sơn đưa ra lời khuyên.
Việc cai nghiện đồ ngọt là điều không dễ dàng, tuy nhiên nó sẽ mang lại những lợi ích lớn cho sức khỏe, do đó rất cần sự kiên trì, nỗ lực của bạn.