Cháu ăn mỗi bữa chỉ hai thìa cơm, chủ yếu thức ăn là rau, cá, tôm, hàu, ít ăn thịt heo nạc, uống nước lọc và ăn rất nhiều cà chua chín. Mỗi ngày bé uống 600 ml sữa không đường, tách béo hoàn toàn. Cách hai tháng tôi bổ sung cho cháu một hộp canxi. Khi ra đường trước 8h sáng và sau 4h chiều tôi đều không cho cháu che kín người để hấp thu vitamin D.
Ngoài ra, một tuần cháu thường xuyên hoạt động thể chất bao gồm chơi bóng rổ, bơi, nhảy hiện đại, tập thể dục. Nhưng đến giờ cháu vẫn thấp hơn các bạn. Mẹ cao 1,5 m, ba cao 1,65 m, khá thấp. Vậy có phải do gen di truyền mà cháu hạn chế phát triển chiều cao không? Tôi phải bổ sung thêm gì để cháu có thể đạt chiều cao tối đa?
Yếu tố gen di truyền cũng ảnh hưởng đển chiều cao của trẻ. Ảnh minh họa: Cẩm Anh
Trả lời:
Ở lứa tuổi này, chiều cao trung bình của bé là 1,39-1,43 m, cân nặng trung bình 32-38 kg. Nếu chưa dậy thì, bé có thể còn tăng chiều cao nữa. Bên cạnh đó, chiều cao của bé cũng bị ảnh hưởng bởi gen di truyền. Với chiều cao của bố mẹ, ước tính tối đa bé cao khoảng 1,6 đến 1,65 m
Hiện tại BMI của bé là 23.9 (BMI = Cân nặng /(chiều cao x chiều cao)) khi so sánh với chuẩn BMI theo tuổi của WHO, bé được chẩn đoán là béo phì. Tuy nhiên, chiều cao của bé chỉ tính là thấp hơn mức chuẩn, chưa phải là suy dinh dưỡng thấp còi.
Với lượng sữa bé uống hằng ngày đã đáp ứng 60-70% nhu cầu canxi trong ngày kèm theo chế độ ăn có thể đủ nhu cầu canxi của bé khoảng 1.000 mg một ngày. Việc phơi nắng cần đảm bảo 45 đến 60 phút một ngày. Nếu ngày nào ít nắng, bé có thể ra đường mà không cần che kín (sau 8h).
Nếu bé chỉ ăn 2 thìa cơm mà không ăn thêm các loại tinh bột khác như bún phở, bánh, bánh mì, khoai, bắp… thì hơi mất cân đối về lượng chất bột đường và dư chất đạm. Nhu cầu tinh bột của bé khoảng 200 g một ngày, chất đạm khoảng 50 đến 60 g một ngày (70% từ đạm động vật tương đương 100 đến 120 g thịt, cá, tôm...)
Tính theo mức độ hoạt động thể lực, bé đã đạt đủ mức hoạt động thể lực khuyến nghị. Cha mẹ cũng nên chú ý thời gian xem tivi, chơi điện thoại... (là những hoạt động tĩnh) không quá hai giờ một ngày.
Như vậy mục tiêu hiện tại bây giờ là giữ cân nặng cho bé, đừng cho sụt cân hoặc tăng cân. Nếu cho bé giảm cân trong giai đoạn này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao của bé.
Vì câu hỏi của mẹ không mô tả chính xác bé ăn bao nhiêu nên chưa thể đánh giá đủ hay thiếu về năng lượng và các chất dinh dưỡng. Để biết chính xác thực đơn bé ăn có cân đối về năng lượng, đạm, béo, tinh bột, vi chất dinh dưỡng hay không, đồng thời có thể thiết kế thực đơn thích hợp cho bé, mẹ có thể dẫn bé đến khám tại các phòng khám nhờ bác sĩ dinh dưỡng tư vấn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM