Lạm phát đối mặt với những áp lực nào?
Trong báo cáo vĩ mô quý III/2018 mới công bố, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo, lạm phát có thể chạm mức 3.8% vào cuối năm. Theo BSC, hai nhóm mặt hàng chính tác động tới mức lạm phát của Việt Nam là xăng dầu và lương thực, thực phẩm. Trong đó, giá xăng dầu phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường quốc tế. Giá dầu sẽ tiếp tục tăng mạnh khi OPEC và Nga đều không đồng ý gia tăng sản lượng và chính sách cấm vận kinh tế của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2018.
Bên cạnh áp lực tăng giá dầu trên thị trường quốc tế, việc giá lợn tiếp tục tăng trở lại do khan hiếm nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi đã lan tỏa sang nhiều quốc gia trong khu vực. Nguồn cung lợn khan hiếm sẽ tiếp tục đẩy giá lợn tăng trong thời gian tới và gây áp lực mạnh lên CPI, khi lương thực và thực phẩm chiếm 27.06% quyền số CPI.
Cũng đưa ra dự báo về CPI, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, giữ nguyên dự báo lạm phát cả năm là 4,3%. Trước đó, Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 9 tăng vừa phải 0,59% so với tháng liền trước, tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 3,98% so với cùng kỳ. Như vậy tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ tháng 9 bằng với tháng 8, cho thấy xu hướng lạm phát đã ổn định trong những tháng gần đây sau khi vọt lên 4,67% trong tháng 6.
HSC cũng cho biết, Ngân hàng nhà nước đang muốn kiềm chế lạm phát, quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% và giữ tỷ giá ổn định. Công cụ chính để đạt được điều này là chủ động hạn chế một chút tăng trưởng tín dụng.
"Và điều này có vẻ đã không mấy ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý III nên nhiều khả năng Ngân hàng nhà nước sẽ tự tin để tiếp tục chính sách của mình ít nhất là cho đến cuối năm", HSC nhận định.
Lãi suất tiếp tục tăng nhẹ
Theo HSC, lạm phát đã dịu xuống trong vài tháng qua và hiện đang dưới 4% (tốc độ tăng CPI so với cùng kỳ). Tuy nhiên trước đây lạm phát thường tăng tốc trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. Do vậy Ngân hàng nhà nước sẽ vẫn tỏ ra thận trọng.
Điều này theo HSC, sẽ ảnh hưởng một chút đến lợi nhuận của các ngân hàng nhưng nhóm nghiên cứu HSC vẫn giữ dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018. “Tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận do thu nhập lãi thuần chịu ảnh hưởng một phần từ tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn không lo ngại về điều này vì năm 2018 sẽ là một năm tăng trưởng đặc biệt của lợi nhuận ngành ngân hàng”, HSC cho biết.
Trên thực tế, tỷ lệ NIM và thu nhập ngoài lãi đang tăng lên. Trong khi đó chi phí dự phòng trích lập tăng chậm lại. Các ngân hàng còn có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên đáng kể từ: bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, bán các khoản đầu tư. Do vậy cho dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm có chậm lại so với cùng kỳ năm ngoài (và xu hướng này cũng sẽ tiếp diễn trong những tháng còn lại của năm nay) thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận của các ngân hàng.
“Và ảnh hưởng có chăng ở đây là sẽ làm cho nền so sánh của năm 2019 thấp bớt xuống trong bối cảnh lợi nhuận không thường xuyên sẽ giảm bớt (vì năm nay tăng trưởng quá mạnh sẽ tạo nền so sánh rất cao cho năm 2019). HSC hiện dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8% nhờ ngành vẫn tăng trưởng cho dù trong điều kiện tăng trưởng tín dụng được thắt chặt lại một chút”, báo cáo của HSC nêu.
Liên quan đến vấn đề lãi suất và tỷ giá, trong báo cáo vĩ mô BSC cho biết, nhờ thông tin FED nâng lãi lần thứ ba, USD quốc tế và tỷ giá trong nước đều hồi phục sau tin này. BSC dự báo trong 3 tháng tới tỷ giá sẽ có nhịp vận động tăng nhẹ trong quý IV khi các hiệu ứng thông tin giữa việc Fed tăng lãi suất, chiến tranh thương mại và chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc tiếp tục gây tác động lên đồng tiền USD.
“Do áp lực lạm phát gia tăng và mức lãi suất liên ngân hàng ở tất các kỳ có xu hướng hồi phục theo biến động của tỷ giá, chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong quý IV”, nhóm nghiên cứu của BSC cho biết.
Theo Bảo Vy
BizLive