Ngày 4-10, thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm tăng lên 3,27%/năm, tăng khá mạnh so với mức 2,89% cuối tháng 9. Các mức lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng cũng tăng khá mạnh lên 3,52%-4,11%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại nên các ngân hàng cũng hạn chế vay mượn lẫn nhau ở các kỳ hạn dài, giao dịch chủ yếu là qua đêm với doanh số bình quân khoảng 21.845 tỉ đồng.
Như vậy, lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá mạnh sau vài tuần hạ nhiệt. Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng phụ thuộc vào cung cầu vốn ngắn hạn trên thị trường này, nên việc tăng giảm là bình thường và mang tính chất ngắn hạn.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến gần cuối tháng 9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định, dù một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.
Ảnh: NLĐ
Hiện mặt bằng lãi suất huy động VNĐ phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1- 6 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm...
Lãi suất cho vay VNĐ phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Theo Tổng cục thống kê, cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ.
Riêng tại TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, cho biết tín dụng trên địa bàn trong 9 tháng tăng khoảng 10,5%. Dư nợ tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao so với các năm trước, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo T.Phương
Người lao động