Lãi suất hôm nay biến động trái chiều giữa các ngân hàng, trong xu hướng tăng của lãi suất tiền gửi, xuất hiện đơn vị điều chỉnh giảm.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động trong tuần qua, một số ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất gửi tiết kiệm như Techcombank, VPBank, MSB, TPBank, GPBank...
Lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng xuất hiện nhiều hơn tại các ngân hàng thương mại. Mức lãi suất tăng trong tuần qua ở một số kỳ hạn, từ khoảng 0,1 đến 0,3 điểm % tại Techcombank, VPBank, MSB; trong khi mức tăng cao hơn tại GPBank với kỳ hạn điều chỉnh mạnh nhất là 0,95 điểm % so với trước đó.
Hiện lãi suất cao nhất ở Techcombank đối với khách hàng cao cấp là 5,1%/năm khi gửi trên 12 tháng; VPBank áp dụng lãi suất tiền gửi cao nhất là khoảng 5,8%/năm khi khách gửi online từ 36 tháng trở lên.
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng bất ngờ ghi nhận một số ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi. Trong biểu lãi suất mới nhất, LPBank điều chỉnh giảm ở một số kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm online ở kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,6% và 3,7%/năm. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 3-5 tháng còn 3,9%/năm; kỳ hạn từ 6-11 tháng xuống còn 5,1%/năm. Các mức lãi suất này giảm tối đa 0,2 điểm % so với trước. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại LPBank là 5,8%/năm khi gửi online cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Chuyên gia tài chính cá nhân Lê Xuân Huy cho hay, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để phục vụ cho nhu cầu mua sắm đợt cuối năm và Tết Nguyên đán nên nhu cầu về vốn sẽ tăng lên. Lúc này, các ngân hàng cũng đẩy mạnh huy động để đáp ứng nguồn tiền cho vay ra này. Áp lực thanh khoản là có khi tăng trưởng tín dụng giai đoạn cuối năm thường cao hơn trong năm.
"Dù vậy, lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ chứ không tăng quá nóng và có thể đi ngang rồi giảm dần vào giai đoạn đầu năm sau, đặc biệt sau giai đoạn Tết Nguyên đán", ông Huy nói.
PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, cũng cho rằng về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Dù vậy, động thái tăng lãi suất huy động không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn. Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và lãi suất cho vay cũng không quá lo ngại sẽ tăng theo.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 29-11, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,9% và đến ngày 7-12 đã đạt 12,5% tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, với mức tăng trưởng tín dụng như hiện nay có thể bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế đã đặt ra từ đầu năm là 15%.