Theo đó, lãi suất cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP kỳ từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 được Agribank áp dụng theo hai mức.
Cụ thể, lãi suất cho vay đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án là 8,2%/năm. Lãi suất cho vay đối với khách hàng là người mua nhà ở tại dự án: 7,7%/ năm.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay theo Nghị quyết 33 được 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiên phong, trong đó mỗi ngân hàng sẽ giải ngân 30.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của chính ngân hàng.
Đây là gói tín dụng từ nguồn vốn của 4 ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là một trong những gói giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.
Về phía Agribank, ngân hàng đã cam kết cho vay 1 dự án tại Quảng Ninh số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP. Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng...
Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Agribank, việc giải ngân dự án đầu tiên tại Quảng Ninh diễn ra vào ngày 28/7 vừa qua. Dù đang tiếp cận một số dự án khác, đại diện Agribank cho biết quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các thủ tục pháp lý, gây mất rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp khi thực hiện.
Bà Bình cho rằng, các doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia các dự án thuộc gói tín dụng này bởi họ bị khống chế mức lợi nhuận không quá 10%. Hơn nữa, mức giá bán và người mua nhà lại do các sở, ban ngành của tỉnh/thành phố nơi có dự án lựa chọn.
“Chỉ cần dự án chậm tiến độ thôi là chủ đầu tư sẽ không có lãi, nên họ không mặn mà với việc tham gia vào những dự án như thế này”, bà Phùng Thị Bình nói.
Để chính sách sớm được thực thi, bà Bình kiến nghị các ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục hành chính đối với các dự án.
Theo VNN