Tại Việt Nam, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và được xác định là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới. Tháng 11/2021, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021, Việt Nam đã cam kết tham gia chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050".
Để có nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn, các tổ chức tín dụng đã chủ động ký kết hợp tác với các quỹ, các định chế tài chính, như IFC ký kết cung cấp 70 triệu USD cho HDBank tăng nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, ADB cấp 25 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 100 triệu USD; IFC cấp hạn mức vay 100 triệu USD và hạn mức tài trợ thương mại 60 triệu USD cho chương trình tín dụng xanh tại OCB, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu ký kết hợp đồng cho vay dài hạn 20 triệu USD trong 3 năm với TPBank… Tuy nhiên, để các nguồn vốn này thực sự đến được nền kinh tế vẫn cần chờ giải ngân trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã xác định tín dụng cho năng lượng tái tạo là một trong 12 lĩnh vực xanh được NHNN theo dõi dư nợ tín dụng.
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết năm 2023, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm 4,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, đạt hơn 546.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng này là rất nhỏ so với tổng dư nợ hàng triệu tỷ đồng với tăng trưởng đều trên 12% được duy trì trong thời gian qua.
Để các ngân hàng có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, nắm bắt được những cơ hội cũng như chủ động trước những thách thức mà kinh tế tuần hoàn đem lại, nhóm tác giả có một số khuyến nghị với các NHTM như sau:
Phát triển nhận thức chung về kinh tế tuần hoàn và ban hành hướng dẫn được chấp nhận rộng rãi về tài chính tuần hoàn
Điều này sẽ cung cấp một khuôn khổ hay hướng dẫn giúp các ngân hàng xác định đề xuất hay sáng kiến kinh doanh có phải là tuần hoàn hay không. Có nhận thức chung về kinh tế tuần hoàn sẽ giúp các ngân hàng trong việc xác định, lựa chọn và tài trợ cho các dự án dựa trên các mô hình kinh doanh tuần hoàn mới. Điều này cũng sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính khác tham gia tài trợ cho nền kinh tế tuần hoàn. Các NHTM cũng cần phối hợp với các đối tác khác để xây dựng bộ hướng dẫn chung về tài chính tuần hoàn, nhằm đảm bảo ngân hàng và các tổ chức tài chính cùng thực hiện một cách tiếp cận thống nhất trong tài trợ kinh tế tuần hoàn. Điều này giúp việc phân bổ nguồn vốn cho các doanh nghiệp tuần hoàn giữa ngân hàng và các định chế tài chính khác một cách hiệu quả.
Điều chỉnh các mô hình tài chính hiện tại hoặc phát triển mô hình tài chính mới cho kinh tế tuần hoàn
Các mô hình tài chính của ngân hàng cần thích nghi với những thay đổi do việc tài trợ kinh tế tuần hoàn. Các ngân hàng cần cải tiến mô hình tài chính hiện tại hoặc phát triển mô hình định giá mới trong đó tích hợp cả chi phí và lợi ích môi trường xã hội. Ví dụ, trong nền kinh tế tuần hoàn, cách thức khấu hao các tài sản cũng sẽ thay đổi. Thay vì ghi giảm giá trị tài sản xuống 0, việc tài sản tiếp tục được sử dụng ở thị trường thứ cấp cần được ghi nhận trên bảng cân đối. Do đó, các ngân hàng cần điều chỉnh các mô hình tài chính khi xác định giá trị của các tài sản hữu hình dùng làm tài sản thế chấp.
Đào tạo các nhà quản lý rủi ro và nhân viên tuân thủ
Các ngân hàng nên đào tạo các nhà quản lý rủi ro và nhân viên tuân thủ để đánh giá rủi ro một cách hiệu quả và những lỗ hổng trong kinh doanh với các công ty tuần hoàn. Các nhà quản lý rủi ro cần được đào tạo để hiểu nguồn gốc của rủi ro tuần hoàn, những ảnh hưởng và liên kết giữa rủi ro tuần hoàn và các yếu tố rủi ro truyền thống khác. Nhân viên tuân thủ cần nhận thức được tất cả các quy định, luật và chính sách kinh tế tuần hoàn và đảm bảo rằng ngân hàng có hệ thống giám sát chặt chẽ để giám sát việc tuân thủ những quy định, luật và chính sách kinh tế đó.
Thúc đẩy một nền văn hóa mạnh mẽ trong việc giảm chất thải và tái sử dụng vật liệu ở tất cả các cấp của ngân hàng
Các ngân hàng nên thực hiện cam kết hướng tới nền kinh tế toàn cầu ngay trong nội bộ ngân hàng. Lãnh đạo cấp cao của ngân hàng cần đảm bảo rằng nhân viên ngân hàng ở các cấp đều hiểu về giá trị của chất thải, cố gắng giảm chất thải và tái sử dụng vật liệu như một văn hóa làm việc. Điều này sẽ đảm bảo chất thái được giảm thiểu không chỉ tại ngân hàng mà còn ngoài phạm vi làm việc.