Chỉ trong 6 tháng đầu năm, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào bất động sảnđã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm nay, chỉ trong 6 tháng, nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây, mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.
Trong đó, Nhật Bản đang trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào thị trường bất động sản TP. HCM. Một năm trở lại đây, các tập đoàn, quỹ đầu tư lớn như Mitsubishi, Maeda, Kajima, Sumitomo, Sanyo, Creed Group đã tăng mạnh dòng vốn đầu tư vào bất động sản thành phố này.
Đáng chú ý là dự án khu đô thị Akari City, quận Bình Tân, TP. HCM, tổng vốn đầu tư 7.676 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư Nam Long cùng hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad đã hợp tác triển khai. Đây là dự án thứ năm liên tiếp được phát triển bởi ba nhà đầu tư này.
Tập đoàn Lotte, Hàn Quốc cũng đang hoàn thành mọi thủ tục cần thiết để có thể khởi công dự án khu phức hợp Thành phố thông minh Thủ Thiêm (Eco Smart City Thủ Thiêm). Dự án có tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 7,45 ha.
Tại Hà Nội, dự án thành phố thông minh có tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD do do liên doanh Sumimoto (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG đầu tư cũng đã được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo ông Trần Đạo Đức, Phó tổng giám đốc Tập đoàn CEO, nhìn trên tổng quan, Việt Nam là quốc gia vô cùng hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài nhờ chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế bền vững, du lịch phát triển mạnh, dân số trẻ với nhu cầu sở hữu tài sản bất động sản cao.
Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế và dự kiến mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Bên cạnh đó, nền kinh tế đang trên đà phát triển với tầng lớp dân số trẻ và thu nhập đang tăng lên, chính sách cởi mở thông thoáng là những yếu tố giúp thị trường bất động sản Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Dự án khu nghỉ dưỡng Hoiana đang được xây dựng tại Quảng Nam
Trong khi nhiều giải pháp tạo dòng vốn cho thị trường bất động sản chưa được triển khai như chứng khoán hóa bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, dòng tiền từ ngân hàng lúc đóng lúc mở, sự hiện diện của dòng vốn này có tác động duy trì sự nóng ấm của thị trường.
Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là hầu hết dòng vốn FDI vào Việt Nam đều đến từ các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ châu Âu, Mỹ khá dè dặt với thị trường bất động sản Việt Nam.
Mặt khác, việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Song đến nay, số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa đạt được kỳ vọng.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn "e ngại"?
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam, bà Bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề chính là do pháp luật tại Việt Nam "mỗi người hiểu một cách khác nhau, tôi hiểu thế này bạn biểu thế khác".
Bên cạnh đó, tiền các nhà đầu tư mang vào Việt Nam thì dễ nhưng mang ra thì rất khó. Thậm chí, Việt Nam cũng chưa có các cơ chế để giữ được đồng tiền của nước ngoài ở lại để đầu tư sinh lời tiếp, dẫn đến khó khuyến khích được đầu tư.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, vấn đề của Việt Nam là xây dựng luật rất rõ ràng, rất nhiều quy định pháp luật, từ luật có nghị định, thông tư, tuy nhiên, công tác triển khai rất "kém".
Ông Hà lấy ví dụ, đối với việc cho người nước ngoài mua nhà. Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã quy định rất cởi mở, nhưng đến nay nhiều người nước ngoài vẫn không biết mua như thế nào, thủ tục ra sao, sau khi kinh doanh có lợi nhuận có được chuyển tiền về nước không? Tương tự đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy.
Trên thực tế, luật pháp đã có quy định nhưng việc thông tin đến người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do mỗi cơ quan bộ ngành của Việt Nam chỉ phụ trách một lĩnh vực.
Về đất đai do Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý, về thị trường bất động sản do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ Công an quản lý về visa, phải có visa mới được mua, quản lý thuế lại do Bộ Tài chính, việc chuyển tiền ra nước ngoài lại do Ngân hàng Nhà nước.
Kết quả là rất nhiều quy định người trong nước cũng chưa hiểu rõ hết được các thủ tục cần thực hiện chứ chưa nói đến người nước ngoài. "Tôi cho rằng phải có một cuốn cẩm nang hay quy định chung, tổng hợp để các nhà đầu tư đọc cho dễ hiểu và nắm rõ các việc họ cần làm. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa làm được", ông Hà nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay việc đấu giá đất, đấu thầu dự án vẫn rất ít, chưa đảm bảo tính công khai minh bạch để các doanh nghiệp có cơ hội thực hiện. Thị trường hiện nay chủ yếu dành cho những doanh nghiệp lớn. Bản thân các doanh nghiệp trong nước còn khó thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất khó tham gia vào thị trường Việt Nam.
An Chi /TheLEADER