Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua 2 phiên điều chỉnh mạnh sau đợt hồi phục hơn 200 điểm từ giữa tháng 11. Trong 2 phiên này, VN-Index mất tổng cộng gần 53 điểm, hàng trăm cổ phiếu rớt giá từ 10%-20% nhưng điểm tích cực là các nhà đầu tư nước ngoài vẫn mạnh tay mua ròng gần 2.000 tỉ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng từ đầu tháng 12 đến nay lên hơn 6.600 tỉ đồng.
Mạnh tay gom bluechip
Theo giới phân tích, dù những ngày gần đây, giao dịch của khối ngoại không còn chiếm tỉ trọng lớn nhưng động thái mua ròng liên tục của họ bất chấp việc thị trường điều chỉnh mạnh là một chỉ báo quan trọng để giữ niềm tin cho nhà đầu tư.
Trước đó, trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỉ đồng trên toàn thị trường, mức giải ngân mạnh hơn cả đợt đáy khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 6-2020, với khoảng 14.000 tỉ đồng. Có không ít phiên họ mua vào với giá trị kỷ lục, tập trung vào những mã cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) khi giá rớt xuống mức thấp trong hơn 1 năm.
Như khối ngoại giải ngân tới hơn 1.400 tỉ đồng vào HPG của Công ty CP Tập đoàn Thép Hòa Phát; đổ hàng ngàn tỉ đồng vào các mã khác như VHM (Vinhomes), STB (Sacombank), MSN (Masan). Hay trong 3 tuần qua, nhóm quỹ đầu tư Dragon Capital đã mua vào tới 3,7 triệu cổ phiếu DPM (Đạm Phú Mỹ), nâng số lượng nắm giữ 31,71 triệu cổ phiếu.
Giao dịch của khối ngoại hiện được xem là một chỉ báo để nhà đầu tư trong nước củng cố niềm tin vào thị trường chứng khoán. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong 2 tuần cuối tháng 11, dòng tiền mới từ khối ngoại gần như chiếm ưu thế trên thị trường, qua đó tạo động lực để các nhà đầu tư cá nhân quay lại tìm cơ hội giúp thị trường hồi phục tích cực và giao dịch sôi động rõ rệt. Ngoài ra, xu hướng mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại còn được hỗ trợ từ các quỹ ETF Fubon, ETF DC, ETF VanEck khi các quỹ này bắt đầu hút ròng trong tháng 10 và 11.
Có lợi thế lớn
Thực tế, trong tháng 11, giai đoạn thị trường cạn tiền, VN-Index giằng co quanh đáy, nhà đầu tư trong nước lo sợ bán tháo, hàng loạt cổ phiếu trên sàn có chỉ số định giá P/E dưới 10, giá cổ phiếu xuống dưới giá trị sổ sách của doanh nghiệp thì dòng tiền của khối ngoại chính là lực đỡ chủ yếu khi họ nhìn thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong trung và dài hạn.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), cho rằng thị trường chứng khoán giảm sâu trong thời gian qua không xuất phát từ yếu tố vĩ mô của nền kinh tế mà phần lớn từ các yếu tố liên quan đến dòng tiền. Thị trường thiếu tiền, cổ phiếu đồng loạt rớt giá dẫn đến hàng loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính (margin) cao rơi vào tình trạng giải chấp khiến cả thị trường cùng rơi theo quán tính chứ không tuân theo yếu tố cơ bản nào. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài với dòng tiền dồi dào, nhìn nhận thị trường, cổ phiếu đã đến vùng hợp lý nên mạnh dạn mua để đầu tư. Các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của các doanh nghiệp cũng nhìn thấy cơ hội này nên liên tục đăng ký mua vào, nhờ đó thị trường tìm được điểm cân bằng và phục hồi mạnh như vài tuần qua.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, khối ngoại đã gia tăng mua ròng từ đầu tháng 11, họ không chỉ mua những cổ phiếu lớn mà còn tham gia mua cổ phiếu ngành bất động sản vốn đang nhạy cảm. Họ tham gia rất mạnh cho thấy khối ngoại nhìn nhận tích cực vào các doanh nghiệp bất động sản, chứ không lo lắng như nhà đầu tư trong nước.
Song song đó, khối ngoại cũng mua mạnh các ngành ngân hàng, chứng khoán. Điều này tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong nước. "Tuy nhiên, không hẳn cứ mua bán theo họ là thắng. Bởi phần lớn khối ngoại là nhà đầu tư dài hạn, họ đầu tư giá trị nên sức bền và sức chịu đựng cũng tốt hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thích lướt sóng ngắn hạn. Đặc biệt, khối ngoại đã mua cổ phiếu những lúc thị trường hoảng loạn, tạo đáy nên có lợi thế lớn hơn nhà đầu tư trong nước rất nhiều" - ông Minh phân tích.