Khu Nhà ở xã hội Ecohome, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Đó là con số được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 30-10 về vấn đề thiếu nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp và công nhân hiện nay.
Theo ông Hà, vừa qua các cấp các ngành địa phương đã thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có 1,8 triệu m2 dành cho các hộ nghèo đô thị.
"Con số này so với yêu cầu vẫn còn rất thấp, theo chiến lược nhà ở quốc gia, yêu cầu về nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội là 10 triệu m2, trên thực tế nguồn cung nhà ở phân khúc này đang thiếu gay gắt", Bộ trưởng cho biết.
Ông Hà cũng cho biết Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 03 về giải pháp thúc đẩy nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và nhà ở đô thị. Nếu thực hiện tốt chỉ thị với nhiệm vụ giải pháp cụ thể này thì chắc có chuyển biến mới trong đáp ứng nhà ở.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt đề án xây dựng thiết chế công đoàn, trong đó có nhà ở cho công nhân. Nếu làm tốt việc này thì vấn đề nhà ở cho công nhân sẽ có sự chuyển biến mới.
Theo ông Hà, giải pháp đột phá là bố trí đủ vốn theo quy định của pháp luật để hỗ trợ người vay mua nhà, trong đó có đối tượng công nhân. Kế hoạch đầu tư trung hạn hiện nay mới bố trí chưa đầy 1.200 tỉ đồng, trong khi đó nhu cầu thực tế là khoảng 9.000 tỉ đồng, mới chỉ đạt hơn 13%.
"Các đối tượng như công nhân mong muốn có khoản này hỗ trợ để nâng cao khả năng thanh toán thuê mua nhà. Mong Quốc hội quan tâm, Chính phủ cũng đã dự kiến bố trí 2.000 - 3.000 tỷ vốn dự phòng hàng năm". Ông Hà cho biết đang cố gắng bố trí nhiều vốn hơn để công nhân vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2018, chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành 86 dự án, quy mô khoảng 34.700 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.735.000m2. Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: đã hoàn thành 100 dự án, quy mô khoảng 41.000 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 2.050.000m2.
Con số này so với nhu cầu là rất hạn chế. Ước tính đến 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu này cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Trong khi đó, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay mà chương trình phát triển nhà ở xã hội gặp phải là gói tín dụng cho vay ưu đãi các dự án nhà ở xã hội lãi suất thấp 30.000 tỷ đồng kết thúc từ năm 2016 khiến nhiều người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà chưa tiếp cận được vốn vay, nhiều dự án bị dừng cho vay, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ.
Nhiều doanh nghiệp không được vay ưu đãi, trong khi các khoản vay thương mại có điều kiện khắt khe hơn, lại có mức lãi suất cao nên họ rất khó tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Trước tình hình này, Quốc hội có kế hoạch cấp hơn 1.000 tỉ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên tình hình giải ngân vẫn rất nhỏ giọt do nhu cầu vốn thực hiện các chương trình nhà ở rất lớn, trong khi đó điều kiện ngân sách nhà nước đang rất khó khăn.
Minh Anh (vietstock.vn)