Khách tây cũng mê hái vải
Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, sau khi thu hoạch xong củ ấu trên dòng sông bao quanh khu vườn vải thiều, chị Phạm Thị Liêm - tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn, thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà, Hải Dương) - lại dồn lực vào vườn vải. Bởi, không chỉ chăm sóc để vải thiều sai trái, chị còn sửa sang cảnh quan khu vườn của mình thật đẹp chuẩn bị cho mùa đón khách du lịch mới.
Khu vườn vải này được vợ chồng chị Liêm dồn điền đổi thửa từ năm 2009. Ban đầu, vợ chồng chị mở rộng diện tích trồng vải thiều với mục đích trồng cây bán trái như các hộ dân khác trong vùng.
Đến năm 2015, chị nhen nhóm ý định làm du lịch từ cây vải thiều. Từ đó, vợ chồng chị bắt đầu quy hoạch, tạo cảnh quan cho vườn. Vải được trồng thành theo hàng, giữa mỗi hàng cây là con kênh nước nhỏ có hoa sen, hoa súng... Lối vào vườn được bê tông hoá thuận tiện cho khách tham quan.
Năm 2018, huyện Thanh Hà công nhận tiểu khu du lịch sinh thái Đồng Mẩn - nơi có vườn vải của gia đình chị Liêm. Sau đó, vườn vải bắt đầu đón khách. Mục đích ban đầu chỉ là làm thử nghiệm nên vợ chồng chị cho khách vào tham quan miễn phí, không thu tiền. Vừa làm, chị vừa học hỏi kinh nghiệm.
“Mùa vải năm 2022, vườn chính thức mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm hái vải tươi ăn có thu phí”, chị nói. Theo đó, giá vé 30.000 đồng/người/lượt áp dụng cho khách chỉ vào vườn check-in chụp ảnh. Còn khách vào tham quan vườn, hái vải ăn tại chỗ giá vé là 50.000 đồng/người/lượt.
Chị Liêm cho biết, rất nhiều du khách tới vườn. Khách trong TP.HCM, Đà Nẵng, trong miền Tây hay các tỉnh phía Bắc... tới vườn theo đoàn rất nhiều. Đặc biệt là khách phía Nam, bởi trong đó không trồng được cây vải thiều nên họ thích tới tận vườn trải nghiệm, hái những trái vải tươi ngon thưởng thức luôn tại chỗ.
Các đoàn đông đảo du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Belarus,... cũng đến khu Đồng Mẩn, vào vườn tự tay thu hoạch trái vải.
Vào mùa vải thiều chín, những ngày cuối tuần số lượng khách lên tới 300-500 lượt. “Tôi thống kê không chính xác, nhưng tiền thu được từ khách du lịch vụ vải vừa qua đạt khoảng 300 triệu đồng, ước khoảng 7.000-8.000 lượt khách”, chị Liên tiết lộ.
Theo chị, vụ tới, vườn vải chắc chắn sẽ sai quả hơn vì thời điểm này lộc non trên cây rất đẹp. Chị dự tính, du khách cũng sẽ tăng vì sau một năm làm du lịch trải nghiệm, hình ảnh vườn vải thiều được quảng bá rộng khắp, trái vải Thanh Hà cũng được nhiều người quan tâm hơn.
Ông Hoàng Văn Lượm ở thôn Thuý Lâm (Thanh Sơn, Thanh Hà) cũng thừa nhận, lượng khách đến tham quan cây vải thiều ngày càng tăng. Năm 2022, chỉ từ tháng 5 đến tháng 7, vườn vải thiều có cây vải tổ của gia đình ông đã đón hơn 30.000 lượt du khách nội địa và quốc tế.
Còn những mùa khác trong năm, dù không phải chính vụ vải chín, vườn cây nhà ông vẫn đón vài chục khách du lịch mỗi ngày.
Khai mở “kho báu” mới
Thời gian tới, cùng với nâng cao chất lượng quả vải thiều, huyện sẽ đẩy mạnh mảng du lịch cho loại trái cây đặc sản này. Theo ông Vũ Việt Anh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, làm du lịch cây vải thiều không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập từ nguồn du khách mà đây còn là kênh quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng. Khách trong nước và quốc tế hiểu được quy trình trồng và chăm sóc để có trái vải thiều ngon, đạt chất lượng sẽ như thế nào, từ đó sẽ tin dùng sản phẩm nhiều hơn.
Với lợi thế của địa phương, huyện Thanh Hà đã xây dựng Đề án "Phát triển các điểm du lịch gắn với sinh thái sông Hương" giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trong phát triển khu du lịch sinh thái gắn với cây đặc sản. Huyện tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về du lịch; đồng thời mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích phát triển hình thức du lịch cộng đồng, hình thành mô hình từng gia đình, từng người dân trực tiếp làm du lịch.
Song song đó, huyện huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương, liên kết tổ chức các sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, giới thiệu nông sản tiêu biểu của địa phương.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của đề án, từ năm 2021-2023, Thanh Hà sẽ tập trung đầu tư, khai thác khu miệt vườn Đồng Mẩn - Đồng Quao ở xã Thanh Khê; khu vực có cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm (Thanh Sơn) và khu sản xuất ổi VietGAP ở xã Liên Mạc.
Những năm gần đây, ngoài bán nông sản, du lịch tam nông được ví là “kho báu mới” của ngành nông nghiệp. Hướng làm nông nghiệp đa giá trị này giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Như Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói: “Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Mường Nhé, sản lượng lúa không thể bằng Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, nhưng kết hợp với giá trị từ thiên nhiên, thổ nhưỡng, văn hóa các dân tộc để thu hút khách du lịch thì lợi nhuận thu về gấp nhiều lần trồng lúa ở ĐBSCL”.
Theo ông, nhiều khi chúng ta chạy theo cái này mà bỏ cái kia. Nhiều khi chỉ nhìn vào một giá trị mà quên đi những giá trị còn lại nhưng biết đâu trong đó lại có cơ hội hơn. Làm nông nghiệp phải biết tích hợp giá trị.
Khi thăm vườn vải thiều ở Thanh Hà - cội nguồn tạo ra đặc sản gần chục nghìn tỷ đồng vang danh thế giới, Bộ trưởng Hoan dẫn 2 câu thơ: “Vải em là vải vườn nhà/ Em là con gái Thanh Hà xứ Đông”. Ông khẳng định vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản Hải Dương nói chung tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ trưởng đề nghị Hải Dương phát triển nông nghiệp theo hướng tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Tỉnh cần có giải pháp tích hợp đa giá trị trong xây dựng thương hiệu nông sản. Trong đó, quan tâm việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, ưu tiên những nông sản thế mạnh, thúc đẩy du lịch nông nghiệp để nâng cao giá trị của ngành
Bộ NN-PTNT cũng có chương trình hành động, cùng với tỉnh Hải Dương, đưa Thanh Hà trở thành vùng trọng điểm về trái vải thiều, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu gắn với du lịch sinh thái.
Theo Vietnamnet