Trên cơ sở thành công của Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương, với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại (XTTM) năm 2020 (gọi tắt là Chương trình), năm 2022 trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục XTTM phối hợp với các địa phương tổ chức Chương trình với quy mô lớn theo 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Chương trình năm 2022 có sự tham dự của hơn 400 DN từ 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với quy mô gấp 5 lần so với năm 2020. Chương trình nhận được sự quan tâm cao nhất của UBND các địa phương, cộng đồng DN, các tổ chức XTTM trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn, báo chí,… tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền thành một hoạt động phối hợp thường xuyên liên vùng, liên địa phương để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả.
Tại hội nghị khởi động Chương trình diễn ra ngày 20/5 tại Hà Nội, ông Phạm Đức Toàn, Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên khẳng định tầm quan trọng của Chương trình, đồng thời mong muốn nhận được các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển biên mậu mạnh mẽ hơn nữa cho các tỉnh khó khăn vùng Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng để sớm nâng cao hiệu quả khai thác các cửa khẩu trên địa bàn, trở thành đầu mối giao thương của khu vực phía Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và khu vực lân cận.
Ông Toàn cũng đề xuất sự hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản và hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Điện Biên vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu đặc biệt là giới thiệu các thị trường, khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm mắc ca trong những năm tới.
“Điện Biên luôn mong muốn được hỗ trợ về kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động XTTM, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông, lâm sản của tỉnh Điện Biên góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Điện Biên trở thành các sản phẩm quen thuộc của người tiêu dùng trong cả nước”, ông Toàn bày tỏ.
Những năm qua, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về XTTM hỗ trợ các DN Việt Nam, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết nhằm kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm trong nước, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân, đồng thời hỗ trợ các nhà cung ứng địa phương kết nối với các DN chế biến, thu mua xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, qua đó các sản phẩm tiềm năng của các địa phương tại Việt Nam sẽ dần dần thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế.
Đánh giá về tính hiệu quả của Chương trình, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, Chương trình đã giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, DN chế biến, xuất khẩu và các tổ chức XTTM theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng.
“Các hoạt động của Chương trình cả trực tiếp và trực tuyến đã góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp DN Việt Nam phục hồi và phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Năm nay, bên cạnh các địa phương và DN, Chương trình còn có sự tham gia của đại diện các Đại sứ quán, cơ quan thương mại và các tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng rằng, Chương trình sẽ cung cấp thông tin, giải pháp hiệu quả thiết thực giúp các DN đẩy mạnh cung ứng hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối trong và ngoài nước, đồng thời tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu”, ông Phú cho biết.
Khẳng định sự đồng hành của Bộ Công Thương cùng các địa phương cả nước đẩy mạnh công tác XTTM, hỗ trợ phát triển thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, Chương trình là hoạt động XTTM cấp khu vực quan trọng nhằm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của khu vực tới các cơ quan XTTM quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.
“Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục XTTM phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, DN liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, tích cực củng cố và phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hình thức XTTM khác nhau. Thông qua Chương trình đã tạo ra hàng ngàn kết nối giữa các DN Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tiềm năng, góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của DN, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ./.