Ổn định sản xuất bằng nguồn lao động tại chỗ
Sau hơn hai tuần Long An thực hiện mở cửa, nới lỏng giãn cách, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu, một doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi vải quy mô 2.700 công nhân, tại KCN Thuận Đạo, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Từ việc chỉ vận hành với khoảng 500 công nhân, sản lượng đạt 40%, đến nay doanh nghiệp nâng số lượng lên khoảng 1.000 công nhân, công suất đạt trên 50%. Đặc biệt là Huafu đã có thêm nhiều đơn hàng mới, nhờ việc đáp ứng lượng hàng hóa ổn định cho đối tác.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, đây là một trong các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhanh và hiệu quả nhờ chủ động các giải pháp phòng chống dịch. Nhờ vậy từ đầu dịch đến nay, trong công ty không phát sinh ca F0 gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Ông Ma Sheng Jian - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu cho hay, do làn sóng người dân đổ về quê tránh dịch, việc tìm kiếm lao động rất khó khăn nên doanh nghiệp phải có nhiều giải pháp để thích ứng.
"Theo nhận định của công ty, mặc dù mở cửa nhưng tình hình cũng rất thận trọng, khả năng cũng ít công nhân từ tỉnh này sang tỉnh khác làm việc mà chỉ chọn làm việc trong tỉnh, nên công ty cũng đặt trọng tâm việc ưu tiên nguồn lao động tại chỗ. Quan trọng là giải quyết tốt vấn đề phúc lợi và lương thưởng thì tin chắc rằng sẽ đủ sức thu hút được nguồn nhân công phục vụ mở rộng sản xuất", ông Ma Sheng Jian cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Thành Thanh, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An, đến sáng 7/10, tại các khu công nghiệp trên địa bàn có thêm 912 doanh nghiệp được thẩm định, hậu kiểm đủ an toàn sản xuất với gần 69.000 lao động. Tổng cộng có hơn 1.200 doanh nghiệp với trên 75.000 lao động phục hồi sản xuất kinh doanh. Mặc dù có 186 doanh nghiệp phát sinh F0 với hơn 2.300 ca, tuy nhiên 93% số ca đã khỏi bệnh. Tỉnh cho doanh nghiệp tự quản lý nguồn lao động, khi xuất hiện ca mắc mới thì chủ động rà soát, bóc tách F0 để điều trị; tự cam kết, chịu trách nhiệm về việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Để hỗ trợ tối đa các giải pháp cho doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, thu hút lao động trở về nhà máy, lãnh đạo tỉnh Long An nhanh chóng phối hợp TP.HCM giải quyết vấn đề di chuyển của chuyên gia và chủ doanh nghiệp được đi về trong ngày; người lao động đã tiêm vaccine cũng được đi về hằng ngày nội tỉnh và TP.HCM.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Avery Dennison RIS Việt Nam tại Long An cho rằng: "Việc mình được tự chủ hoặc được tạo điều kiện từ chính quyền và các cơ quan chức năng để công ty vận hành được thì rất quan trọng, công ty ghi nhận vấn đề đó. Đồng thời với sự cho phép như vậy thì công ty cũng hiểu rằng không thể lơ là chủ quan, trong công tác phòng chống dịch sẽ thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xem những tình huống tốt và chưa tốt để khắc phục, đảm bảo ổn định về sản xuất".
80% doanh nghiệp sẽ sớm khôi phục sản xuất
Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Long An là một trong các địa phương “tâm dịch" của cả nước. Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,38% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,02%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng giảm 4,19% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 1,5%). Tuy nhiên tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/9/2021 tăng 8% so với cùng kỳ, dù tình hình có xu hướng chậm trong những tháng còn lại của năm 2021.
Nhờ sớm kiểm soát tốt dịch bệnh, Long An chủ động "mở cửa" sớm, ban hành kế hoạch phục hồi kinh tế cho khoảng 13.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng số 370.000 công nhân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, tỉnh đặt mục tiêu từ ngày 15/10 đến 31/12/2021, có trên 80% doanh nghiệp hoạt động ổn định; tập trung giải ngân đầu tư công đạt từ 90% trở lên, kể cả vốn nước ngoài và đầu tư trung hạn của địa phương.
"Trong thời gian qua, chúng tôi hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, chủ yếu mang tính chất khắc phục tốt nhất theo điều kiện mình đang có. Còn về lâu dài, chúng tôi phải phối hợp với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương tạo ra liên kết, để làm sao tất cả giao thương về kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ phải có sự hài hòa thì lúc đó, Long An mới có sự phát triển ổn định", Chủ tịch tỉnh Long An thông tin thêm.
Long An đã ưu tiên giải quyết tối đa nhu cầu cấp bách về vaccine, tạo thuận lợi cho việc đi lại của công nhân, người lao động và chuyên gia để phục vụ sản xuất. Tỉnh cũng tiến hành rà soát, đánh giá lại nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận để thu hút công nhân quay trở lại làm việc. Địa phương mong muốn doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng chính quyền vượt qua khó khăn trước mắt, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân./.