Hội thảo nhằm làm rõ những mặt tích cực và tiêu cực trong đầu tư BOT hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, đánh giá công bằng, khách quan hơn về hình thức đầu tư này. Theo thống kê của VEC, đến tháng 9/2018, đã có 142 triệu lượt phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc đã khai thác của đơn vị. Riêng 9 tháng của năm 2018, tốc độ tăng trưởng lưu lượng trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác đạt 11% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 30,5 triệu lượt phương tiện. Ngoài VEC, Tổng Công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) được Chính phủ cho thí điểm đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Từ khi dự án đưa vào vận hành tháng 12/2015, thời gian từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại rút ngắn chỉ còn 1 giờ, giảm 2,5 giờ so với đi trên Quốc lộ 5.
Các đại biểu phân tích về thực trạng BOT hiện nay tại Việt Nam
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật thừa nhận những tồn tại ở các dự án BOT giao thông tại một số địa phương trong nước trong thời gian qua. Trách nhiệm này trước hết thuộc về Bộ GTVT. Tiếp đó, những sai sót có thể thuộc chủ đầu tư, nhà thấu, tư vấn giám sát… Hiện nay, Thanh tra Bộ GTVT đang thanh tra toàn bộ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử lý các bên có sai phạm. Về trách nhiệm xã hội, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân.
Ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý tại hội thảo đều nhận định: Mô hình dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) là rất cần thiết trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp. Tại Việt Nam, sở hữu nhiều dự án cao tốc nhất hiện nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), gồm 4 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, với tổng chiều dài gần 500km. Ngoài ra, một dự án đang triển khai thi công là dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (chiều dài 50km), dự kiến sẽ hoàn thành toàn tuyến trong năm 2020.
Tuy nhiên, không phải dự án BOT nào cũng được người dân ủng hộ. Thời gian qua, có một số trạm thu phí hoàn vốn dự án BOT gặp phải phản ứng của tài xế, người dân như trạm BOT Tân Đệ (Thái Bình), Quán Hàu (Quảng Bình), đặc biệt là điểm nóng BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Các dự án kể trên đều có điểm chung là cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu và đầu tư thêm tuyến tránh.
Mới nhất, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện nhiều “ổ gà” gây xôn xao dư luận, ngay sau đó liên tiếp lộ những tồn tại từ việc đấu thầu xây dựng cho đến chất lượng thi công, công tác sửa chữa. Đặc biệt, Thanh tra Bộ GTVT từng thanh tra Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Posco E&C), đơn vị thực hiện gói thầu A5 của dự án, phát hiện đơn vị này sang tay 100% cho nhà thầu phụ. Trước thực trạng này, Bộ GTVT đã phát đi tuyên bố nghiêm khắc phê bình Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC và các đơn vị nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế có liên quan.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biệt thêm, các dự án BOT về giao thông thì xã hội cần phải có cách nhìn đa chiều, khách quan, chính xác về các mặt được và chưa được. Từ đó, tránh những cái nhìn phiến diện, lệch lạc để cùng nhau góp phần làm cho chính sách đúng đắn về BOT ngày càng mang lại kết quả tốt đẹp.
Trung Việt