Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL là 68 tỷ USD, trong đó Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chia sẻ, Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng tại ĐBSCL, ngoài xuất khẩu gạo, Cần Thơ còn đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, bao gồm hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không.
Việc phát triển hệ thống logistics tại Cần Thơ sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư của địa phương và của vùng ĐBSCL. Đặc biệt, sắp tới Cần Thơ sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế lớn với 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm, chắc chắn sẽ trở thành địa điểm thu hút thêm nhiều các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nhận định, nếu Cần Thơ có thế mạnh là trung tâm vùng, thì TP. Thủ Đức là trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận; tỉnh Thanh Hóa có vị trí rất thuận lợi về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông, với đủ các loại hình gồm: đường bộ, đường sắt Bắc - Nam; hệ thống giao thông đường thủy, Cảng hàng không Thọ Xuân với nhà ga hiện đại, công suất 1 triệu lượt khách/năm, đảm bảo điều kiện để trở thành Cảng hàng không quốc tế;…
Do vậy, hội nghị hôm nay là cơ hội quảng bá hình ảnh tốt đẹp, môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả của các địa phương để thúc đẩy kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch đến các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Liên kết, hợp tác để cùng phát triển” đã được xác định là một trong các chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công, phát triển bền vững, để có thể vận dụng và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các bên, cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất. Muốn phát triển bền vững, chúng ta cần có sự liên kết hợp tác giữa các địa phương, liên kết hợp tác giữa các đối tượng trong chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối; đó cũng là mục tiêu cao nhất của hội nghị hôm nay", ông Trần Việt Trường nói.
Ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, HCM đánh giá cao vai trò, tiềm năng và thế mạnh của TP. Cần Thơ. Để liên kết chặt chẽ hơn với Cần Thơ nói riêng, cả nước nói chung trong thời kỳ hội nhập, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng thông tin, Thủ Đức đã triển khai thực hiện đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số, tập trung hình thành và phát triển 11 khu đô thị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là điều kiện để Thủ Đức từng bước trở thành đô thị thông minh, “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế TP. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:
"Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại tại Cần Thơ hôm nay chính là một sự kiện quan trọng, nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển giữa TP. Cần Thơ, tỉnh Thanh Hóa và TP. Thủ Đức trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, công nghệ, giáo dục, logistics, phát triển đô thị thông minh… Đây là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm những hướng đi mới và cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Từ sáng đến giờ, qua thống kê thì các doanh nghiệp TP. Thủ Đức cũng báo cáo lại có một số doanh nghiệp đã tìm hiểu và kết nối với nhau, đây thực sự là tín hiệu đáng mừng", ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng cho biết.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa khẳng định, hội nghị là nơi kết nối các nhà phân phối, các đơn vị thu mua, các đơn vị đầu mối của TP. Thủ Đức, tỉnh Thanh Hóa với các sản phẩm thế mạnh của TP. Cần Thơ như: nông sản, nông sản chế biến, thủy sản, lúa gạo;… Từ đó, các doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
"Trước những yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế thị trường, sự đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ hợp tác đầu tư đặt ra nhu cầu giao thương kết nối giữa các tổ chức Hiệp hội trên mọi miền Tổ quốc. Với những hoạt động phong phú, thực hiện thường xuyên, các tổ chức, Hiệp hội sẽ tạo ra sân chơi lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân giao lưu, gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm xây dựng, điều hành và phát triển doanh nghiệp một cách rất bền vững", ông Cao Tiến Đoan chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, 220 doanh nghiệp của 3 địa phương còn tham quan học hỏi kinh nghiệm thực tế tại cơ sở của 2 – 3 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn Cần Thơ, khảo sát thực tế các dự án mời gọi đầu tư.
Bà Tô Thị Cẩm Nhung, quản lý doanh nghiệp Nghi Nghi chuyên sản xuất thực phẩm từ trái khế chua ở TP. Cần Thơ - 1 trong 70 gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội nghị - bày tỏ: "Qua buổi hôm nay tôi tiếp cận được rất nhiều nhà phân phối, ví dụ như Trung tâm Xúc tiến đầu tư của TP. Thủ Đức, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến để tìm hiểu về sản phẩm, dùng thử và mức độ hài lòng của khách hàng rất là cao. Tôi cảm thấy rất là phấn khởi, làm cho mình có thêm động lực để đầu tư vào sản phẩm nhiều hơn".
Việc tổ chức hội nghị xúc tiến thường xuyên đã tạo thêm một kênh kết nối các nhà phân phối, các đơn vị thu mua, các đơn vị đầu mối giữa các tỉnh/thành trên cả nước, từ đó đưa nông thủy sản, lúa gạo của doanh nghiệp đến gần với khách hàng trong nước và quốc tế; đồng thời đề ra phương pháp giải dần bài toán khó khăn về đầu ra sản phẩm tồn tại nhiều năm qua ở nước ta.