Bạn đọc Trần Nguyên Ân (nam, 50 tuổi, TP HCM) hỏi: Khoảng vài tháng nay, tôi rất hay bị chóng mặt, nhất là khi đang mệt, khi đứng lên sau khi ngồi làm việc lâu một chỗ, khi đi trên mặt sàn nghiêng… Hôm rồi tôi dẫn mấy cháu nhỏ đi công viên, khi leo lên đu quay cùng cháu, tôi cũng chóng mặt kinh khủng dù mới 2 năm trước cũng chơi trò này thấy khỏe re. Có phải tôi đang phát triển căn bệnh gì?
Bạn đọc Nguyễn Văn Nam (nam, 52 tuổi, namnguyen4…@gmail.com)hỏi: Nửa năm nay tôi hay bị chóng mặt, có lần suýt té. Tôi hỏi các bạn cùng tuổi thì có 2 người bị triệu chứng giống tôi, trong đó 1 người bị cao huyết áp khá nặng, 1 người bảo rằng do tim mình yếu (suy tim). Tôi khá hoang mang, không biết mình bị gì và nên khám ở đâu? Có thể tự khắc phục bằng vấn đề dinh dưỡng, lối sống hay không?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Chào các anh, chóng mặt là một triệu chứng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau.
Vấn đề thường gặp nhất là rối loạn tiền đình, gọi đầy đủ là rối loạn hệ thống ốc tai tiền đình. Với độ tuổi của các anh, nên nghĩ đến vấn đề này vì người ta thường bị rối loạn tiền đình khi dần lớn tuổi. Hệ thống tiền đình đóng vai trò giúp chúng ta thăng bằng nên nếu có rối loạn xảy ra, các anh sẽ dễ mất thăng bằng, khó lấy lại thăng bằng khi thay đổi vị trí đột ngột và hay cảm thấy chóng mặt.
Ngoài ra, ở tuổi các anh, chóng mặt còn có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng thiểu năng tuần hoàn não, tăng hoặc giảm huyết áp, tăng hoặc giảm nhịp tim… Chế độ dinh dưỡng thiếu cân bằng, làm công việc văn phòng ít vận động… là các yếu tố nguy cơ có thể kết hợp với tuổi tác.
Với các biểu hiện đã nói, cộng với việc tình trạng chóng mặt đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, các anh cần sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh và làm các xét nghiệm kiểm tra: siêu âm Doppler động mạch cảnh, holter nhịp tim/holter huyết áp 24 giờ, cholesterol máu, khám tai mũi họng… Bởi lẽ tất cả các vấn đề sức khỏe tôi nêu trên đều cần được bác sĩ thăm khám trực tiếp và hướng dẫn cách điều trị, kê toa thuốc cụ thể.
Việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, lối sống để hỗ trợ điều trị như thế nào thì bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho các anh sau khi thăm khám, vì còn tùy vào tình trạng sức khỏe hiện tại, lối sinh hoạt, ăn uống của từng người và tùy vào căn bệnh khiến các anh hay bị chóng mặt.