Đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9 trên 10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cụ thể, từ 3/2023, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay một tuần. Đồng thời, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP.HCM với Quảng Châu và Thượng Hải – mỗi đường bay sẽ được Vietnam Airlines khai thác 4 chuyến bay một tuần. Đây là mức tăng tần suất đáng kể khi so sánh với hiện tại, hãng chỉ khai thác từ 1-2 chuyến bay mỗi tuần trên các đường bay này.
Từ tháng 4/2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại 4 đường bay là giữa Đà Nẵng và Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô; giữa Hà Nội và Thành Đô, với tần suất 2 chuyến bay/tuần trên mỗi đường bay. Ngoài ra, từ tháng 9/2023, Vietnam Airlines có kế hoạch đưa tàu thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP.HCM và Thượng Hải.
"Việc mở lại và tăng tần suất bay tới Trung Quốc của Vietnam Airlines nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch giữa hai nước được dự báo sẽ phục hồi tích cực từ tháng 3/2023. Dù số lượng trung bình chưa nhiều do đây là giai đoạn đầu mở lại, lượng khách vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu phục hồi tốt, Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ đạt khoảng 80% so sánh năm 2019", đại diện Vietnam Airlines nói.
Ngoài nối lại đường bay với Trung Quốc, Vietnam Airlines cũng khôi phục đường bay giữa Hà Nội và Kuala Lumpur (Malaysia) để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách với tần suất 4 chuyến mỗi tuần vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu và Chủ Nhật.
Hãng hiện đang khai thác đường bay TP.HCM – Kuala Lumpur với tần suất 11 chuyến bay trên tuần. Việc khôi phục đường bay từ Hà Nội sẽ hoàn thiện sản phẩm đường bay kết nối giữa Việt Nam và Malaysia. Đối với thủ tục nhập cảnh, hành khách đến Malaysia không cần xuất trình giấy tờ xác nhận tình trạng tiêm chủng hay giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19.
"Đến thời điểm này, Vietnam Airlines đã khôi phục hầu hết điểm đến quốc tế, nâng tổng số chuyến khai thác trên toàn mạng quốc tế của hãng lên hơn 600 chuyến/tuần, tương đương 70% tần suất khai thác trước dịch COVID-19", đại diện Vietnam Airlines cho biết thêm.
Tương tự, thông tin từ Vietjet cho hay, nhằm đáp ứng như cầu của hành khách trong nước và quốc tế, hãng đã phát triển đội tàu bay thân rộng với 3 tàu Airbus A330 và mở hơn 20 đường bay mới, tập trung chủ yếu vào thị trường Ấn Độ.
Với mục tiêu phủ kín các châu lục, hãng cũng nỗ lực mở rộng và phát triển các đường bay quốc tế, điển hình là Astana, Almaty (Kazakhstan), Melbourne, Sydney (Úc).
Với đường bay đến Úc, các chuyến bay thẳng đầu tiên kết nối TP.HCM và thành phố Melbourne (Úc), sân bay Tullamarine sẽ khai thác từ ngày 8/4/2023 với tần suất 6 chuyến/tuần: từ TP.HCM đến Melbourne vào các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy cất cánh lúc 10h55 sáng và hạ cánh 22h35 (giờ địa phương). Các chuyến ngược lại từ Melbourne về TP.HCM các ngày Chủ nhật, thứ Tư, thứ Sáu cất cánh lúc 00h30 và hạ cánh lúc 6h30 (giờ địa phương).
"Chúng tôi sẽ mang Úc đến gần hơn với người Việt Nam, nhu cầu đầu tư kinh doanh, du học, du lịch tại xứ sở này trở nên dễ dàng thuận tiện, tiếp nối Melbourne sẽ mở rộng đến các thành phố Sydney, Brisbane, Darwin, Adelaide trong năm nay", ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết.
Từ 10/2, Vietjet cũng mở lại đường bay thẳng kết nối TP.HCM với Hồng Kông (Trung Quốc) sau thời gian gián đoạn với 2 chuyến bay khứ hồi vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần
Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Pacific Airlines cũng đã lên kế hoạch khai thác hiệu quả các đừng bay quốc tế, trong đó Bamboo Airways cho biết chú trọng đường bay thẳng liên lục địa đến Úc, Anh...
Theo đánh giá, thị trường hàng không quốc tế đang hồi phục nhanh chóng, nên việc mở lại bay quốc tế sẽ giúp hàng không Việt giảm lỗ, tăng doanh thu, bù đắp những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra trước đó.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến hết 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn, có sự tăng trưởng cao so với giai đoạn năm 2019.
Thị trường quốc tế đang dần dần hồi phục và dự báo sẽ đạt được mức như trước dịch COVID-19 (năm 2019) vào cuối năm 2023.
Dự báo, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.