Sáng 15/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng”.
Theo báo cáo của các chuyên gia, có hai kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam cho năm 2024. Đó là tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% (kịch bản 1) và 6,48% (kịch bản 2).
Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2.
Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,02 tỷ USD và 5,19 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 34% và 3,72%.
Cũng theo báo cáo này, kinh tế Việt Nam đã thể hiện khá rõ đà phục hồi tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 tăng 5,05%, thấp hơn 1,45 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra (6,5%) nhưng đã có sự cải thiện giữa các quý.
Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát. Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối 2023.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.
Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 2023.
Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). CPI bình quân tăng 2,89% trong quý III/2023 và 3,54% trong quý IV/2023. Lạm phát cơ bản bình quân cả năm 2023 đạt 4,16%, cao hơn so với năm 2022 (2,59%) và cao hơn mức lạm phát chung.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ 33,5% GDP, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đầu tư của khu vực nhà nước tăng nhanh nhất, tiếp đó là của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội suy giảm mạnh đã phản ánh khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước do chịu tác động mạnh từ nhiều tác động tiêu cực cả trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh khó khăn đó, nỗ lực giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm 2023 đã giúp duy trì tăng trưởng đầu tư từ nguồn vốn nhà nước ngang với mức tăng cùng kỳ 2022, qua đó tạo động lực quan trọng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với 2022. Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 683 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư ước đạt 28 tỷ USD. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm trong năm 2023, song đã có sự cải thiện đáng kể trong các tháng cuối năm, và giữa các tháng trong năm. Các FTA đã góp phần đáng kể cho phục hồi hoạt động xuất khẩu cũng như đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam.